Báo cáo của Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an cho thấy, hàng năm có tới hàng triệu tấn hàng nhập khẩu vào Việt Nam qua các cảng biển, cửa khẩu biên giới. Trong số đó khá nhiều mặt hàng là máy móc, thiết bị lạc hậu cũ hỏng hoặc có chứa chất nguy hại vượt nhiều lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hiện tại có tới 75% doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhập khẩu thiết bị công nghệ từ Trung Quốc.

Trong đó, bên cạnh những công nghệ mới không loại trừ những dây chuyền sản xuất cũ kỹ lạc hậu đã bị thải loại từ các nhà máy cũ. Không ít lần các chuyên gia đã cảnh báo DN nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dù với mục đích nào để sản xuất, kinh doanh thương mại hoặc tân trang nâng cấp, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Trên thực tế, DN thường xuyên có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Do nguồn lực tài chính còn hạn chế, nên nhiều DN đã lựa chọn con đường nhập khẩu công nghệ cũ đã qua sử dụng.

Trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như: Công nghệ thông tin viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính, ngân hàng, phần lớn DN sản xuất trong nước vẫn qua sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014 cho thấy, trong 144 quốc gia được xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu thì Việt Nam được xếp đứng thứ 68. Trong đó, mức độ sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 99, mức độ hấp thụ công nghệ của DN đứng thứ 121 và khả năng tiếp cận công nghệ mới đứng thứ 123/144 quốc gia. Rõ ràng thực trạng đáng lo ngại này đặt ra cho chúng ta bài toán phải siết chặt quản lý hoạt động nhập khẩu móc máy, dây chuyền, thiết bị công nghệ cũ.

Ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam nhấn mạnh: Một số DN do lợi nhuận nên đã nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, thậm chí nhập khẩu cả rác điện tử để tháo dỡ bán lại kiếm lời. Nếu chúng ta không có quy định ngặt về thu gom xử lý rác thải hoặc không có quy định chặt chẽ về vấn đề nhập khẩu thiết bị điện tử đã qua sử dụng, thì nguy cơ sẽ trở thành bãi rác điện tử của các quốc gia phát triển.

Năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 20 quy định nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, ngay sau khi ban hành thông tư vướng phải những phản ứng của cộng đồng DN. Sau hơn 1 năm phải tạm dừng thi hành đến thời điểm này Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo sửa đổi của Thông tư 20. Theo đó, về cơ bản yêu cầu đối với việc nhập khẩu thiết bị cũ được xem xét và áp dụng theo tiêu chí tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Tuổi thiết bị được tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu và thiết bị được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Trong lúc còn chờ những “hàng rào” pháp lý dựng lên để hạn chế quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, thì Việt Nam dễ trở thành bãi thải công nghệ, gây ô nhiễm môi trường gây mất an toàn cho nền kinh tế.

Quang Đông