Số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm

Thông tin tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết, đây là kỳ thi cuối cùng của thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Kỳ thi kết thúc vào 16h ngày 28/6.

Trước khi kỳ thi diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành 1 công điện và 1 chỉ thị cho thấy Chính phủ rất quan tâm tới kỳ thi THPT 2024. Ban Chỉ đạo thi cấp Quốc gia, Bộ GDĐT đã thành lập 12 đoàn công tác đi kiểm tra tất cả các vùng miền trong cả nước trước và trong kỳ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393, trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020 (chiếm 94,66% tổng số thí sinh); số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.373 (chiếm 5,34%). Số thí sinh tự do là 46.978 (chiếm 4,38%). Toàn quốc bố trí 2.323 điểm thi, tăng 51 điểm so với năm 2023.

Hà Nội tiếp tục là địa phương có số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất với 109.078 thí sinh (gấp 34 lần Bắc Kạn). Tiếp theo là TP Hồ Chí Minh với 90.062 thí sinh, Thanh Hóa có 38.775 thí sinh, Nghệ An có 37.044 thí sinh và Đồng Nai có 34.088 thí sinh.

Môn Ngữ văn có nhiều thí sinh đăng ký nhất, tiếp đó là môn Toán. Tỷ lệ thực thi so với tỷ lệ đăng ký dự thi ở phần lớn các môn đều đạt hơn 99%. Riêng bài thi tổ hợp Khoa học xã hội đạt trên 95%

leftcenterrightdel
 Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương phát biểu tại họp báo. Ảnh: LP

Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi. Môn Ngữ Văn có số thí sinh bị đình chỉ thi nhiều nhất là 12 (năm 2023 có 41 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ thi). Không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.

Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

Ông Chương cũng cho biết, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp Quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GDĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.

Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GDĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Không có chuyện lộ, lọt đề thi

Tại buổi họp báo, chia sẻ về vấn đề phòng, chống gian lận bằng công nghệ cao tại kỳ thi, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, cho biết, theo quy chế phối hợp của Bộ Công an và Bộ GDĐT, Bộ Công an đã xử lý các trường hợp vi phạm quy chế thi chủ yếu mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi.

Mặc dù năm nay Bộ Công an đã tập huấn để các cán bộ làm thi nhận biết các thiết bị gian lận thi cử nhưng qua những ngày thi, chưa phát hiện thấy thí sinh gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ phát biểu tại họp báo. Ảnh: LP

Về thông tin lộ đề thi môn Ngữ văn vào tối 27/6, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ GDĐT đã kiểm tra và có thông tin khẳng định việc này.

Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết thêm, trên cơ sở báo cáo của Bộ GDĐT, Bộ Công an đã rà soát và có thông tin chính thức khẳng định không có việc lọt, lộ đề thi. Bộ cũng đã tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt đề thi lộ và nam sinh này đã thừa nhận mình tự dựng clip, đồng thời cam kết không tái phạm. "Trong thời gian tới, nếu tiếp tục phát hiện thêm thông tin gì, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, rà soát, trong quá trình chấm thi, có vấn đề gì xảy ra cũng sẽ kiểm tra", ông Chung cho biết.

Liên quan đến công tác chấm thi, Phó Cục tưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà cho biết, mỗi môn thi đều có tiêu chí nhất định về giáo dục. Bên cạnh những gợi ý, hướng dẫn chấm thi thì cũng có phần mở. Nếu thí sinh trả lời đúng định hướng, có tính chất phát triển thì sẽ xem xét để "chấm mở”.

Về đề thi tiếng Anh sử dụng ngữ liệu của tờ báo lớn, theo ông Hà, đối với đề thi nói chung, nhất là môn Ngoại ngữ, việc sử dụng ngữ liệu phải tin cậy. Ngữ liệu thường sử dụng những tờ báo chuẩn chỉ về nội dung, văn phong. Vì vậy, có nguồn cơ bản là sách, tạp chí hoặc một số tờ báo lớn. Đó là việc bình thường.

leftcenterrightdel
 Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà phát biểu tại họp báo. Ảnh: LP

Liên quan tới mã đề thi 119 môn Toán bị hàng chục lỗi ở Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Ban Chỉ đạo đã nắm được thông tin và đã giao cho ban chỉ đạo thi tỉnh rà soát cụ thể, hướng xử lý theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Nếu câu in lỗi khiến thí sinh không đọc được đề, không làm được thì sẽ báo cáo hướng xử lý cụ thể.

Tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi

Về những việc làm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024.

Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GDĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: LP 

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GDĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Trả lời câu hỏi vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới như thế nào, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GDĐT và toàn ngành Giáo dục đang nỗ lực đổi mới kỳ thi, đảm bảo giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.

Hiện nay, các trường đại học được tự chủ trong phương thức tuyển sinh, tuy nhiên theo thống kê, 65% các trường đại học vẫn lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, vì thế giảm tốn kém cho học sinh, đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không có cơ hội thi nhiều, có thể xét tuyển vào nhiều trường đại học.

Phương Hiếu