Theo ghi nhận của chúng tôi, năm học 2019 - 2020, có nhiều trường hợp học sinh tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi khi nộp hồ sơ học vào Trường Đại học RMIT Việt Nam (RMIT), toạ lạc tại đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP HCM khá vất vả vì kiến thức ngoại ngữ môn tiếng Anh chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Theo điều kiện tuyển sinh của Đại học RMIT, các trường hợp này là sinh viên “dự bị” cho đến khi bổ sung chứng nhận quốc tế về tiếng Anh như: IELTS 6.5 (không kỹ năng nào dưới 6.0)… hoặc phải hoàn tất chương trình tiếng Anh tại trường qua các đợt kiểm tra, đạt được kết quả theo quy định thì mới là sinh viên chính thức.

Trước thực trạng trên, để tiết kiệm chi phí, có trường hợp học sinh với tâm lý hoang mang nên đành chấp nhận tạm nghỉ học một thời gian để ôn lại ngoại ngữ, đến khi trình độ đạt chuẩn mới tiến hành làm thủ tục nhập học. Số còn lại thì chấp nhận bỏ ra một khoảng chi phí khá cao để tiếp tục bồi dưỡng cho đến khi đạt kết quả theo quy định.

Điều đáng nói, trong số này, một tỉ lệ lớn học sinh trong môi trường giáo dục quốc tế, mà họ là những ứng cử viên sáng giá trên con đường trở thành tân sinh viên chính thức.

Đó là một trong những góc khuất của bức tranh giáo dục chất lượng cao mà nhiều phụ huynh từng kỳ vọng.

Trong một diễn biến liên quan đến việc tăng học phí, một phụ huynh (ngụ tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) có 2 cháu học trong Trường Quốc tế Á Châu cho rằng: Việc nâng học phí nhằm đảm bảo cơ sở vật chất hay chương trình đào tạo đạt chuẩn là vấn đề nhạy cảm trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Tăng học phí thì nhà trường cần đảm bảo thực hiện chương trình giảng dạy một cách hiệu quả hoặc nếu có thay đổi do ảnh hưởng các yếu tố khách quan, đơn vị cần thông báo cho phụ huynh được rõ.

leftcenterrightdel

Đơn phản ánh và tài liệu gửi kèm của phụ huynh. Ảnh: N.M 

Theo phụ huynh này, trước đây, các tiết học ngoài trời như đi tham quan Thảo Cầm Viên, Di tích Bến Nhà Rồng, Viện Bảo tàng Lịch sử, bơi lội…  được nhà trường tổ chức và mang lại cảm giác rất sảng khoái cho các cháu mỗi khi đi dã ngoại. Điều này rất hữu ích cho các cháu trong việc tìm hiểu kiến thức lịch sử, khoa học, văn hoá; vận động ngoài trời, phát triển thể chất... Tuy nhiên, những năm gần đây, cháu thứ 2 đang học cấp tiểu học, không hiểu sao những buổi tổ chức đi dã ngoại của trường chủ yếu vào nhà sách hoặc vào Viện Bảo tàng chứ không còn như trước.

Liên quan đến việc thay đổi chương trình, học kỳ II, lớp 12 (khoá 2019 - 2020) nhà trường không tổ chức giảng dạy chương trình quốc tế, chỉ dạy chương trình giáo dục trong nước. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh cũng như nỗi lo lắng của phụ huynh khi chương trình bị thay đổi. Phụ huynh có con theo học tại Trường Quốc tế Á Châu, Cơ sở Trần Nhật Duật, quận 1, cho biết.

Ngày 27/5/2021, chúng tôi đã gửi những thông tin liên quan đến bà Nguyễn Lê Thanh Trúc, Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đinh Mười - Cảnh Nhật