Sáng 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tổ chức hội nghị hướng dẫn, triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.500 cán bộ, giáo viên toàn ngành.

Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, Hà Nội là một trong số các địa phương được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học làm cơ sở để triển khai đại trà ở cấp phổ thông trên cả nước trong thời gian tới.

Theo báo cáo của các phòng GD&ĐT và các trường tiểu học tại hội nghị, đến thời điểm này các điều kiện triển khai học bạ số đã sẵn sàng.

Cụ thể, 100% các trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo.

Cùng với đó, 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số.

100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.

Tính đến ngày 20/4/2024, có 60% số giáo viên, nhân viên ở các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân.

leftcenterrightdel
Hà Nội đã tổ chức hội nghị hướng dẫn, triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Ảnh: T.N 

Để triển khai thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác triển khai học bạ số của ngành; phối hợp với đơn vị vận hành cơ sở dữ liệu ngành nâng cấp chức năng ký số trên học bạ điện tử.

Theo kế hoạch, việc thí điểm học bạ số được áp dụng với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 năm học 2023 - 2024 tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại hội nghị, các cán bộ, giáo viên tham dự đã được phổ biến những định hướng cơ bản của việc triển khai thí điểm học bạ số nói riêng và việc chuyển đổi số của ngành Giáo dục nói chung nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Các giáo viên cũng được nghe hướng dẫn ký số học bạ trên cơ sở dữ liệu ngành và thảo luận, trao đổi, được giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm học bạ số...

Với học bạ số, học sinh, phụ huynh và các trường học được cấp quyền truy cập sẽ tra cứu được toàn bộ quá trình học tập của học sinh. Cổng tra cứu học bạ số trực tuyến cũng cho phép xuất ra bản mềm, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Học bạ số có giá trị pháp lý như học bạ giấy, sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan.

Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, trước ngày 30/6 hàng năm, các trường học báo cáo học bạ số, chốt dữ liệu học bạ của tất cả học sinh về cơ sở dữ liệu do Sở GD&ĐT quản lý.

Đối với những học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học tại thời điểm 30/6 và cần được đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học, thời gian chốt dữ liệu học bạ trước ngày 15/8.

Cơ sở dữ liệu học bạ do Sở GD&ĐT quản lý cho phép tiếp nhận học bạ từ các nhà trường, cho phép nhà trường thu hồi hoặc báo cáo thay thế học bạ số trong thời gian chưa chốt dữ liệu học bạ.

Đơn vị duy nhất có thẩm quyền sửa chữa và chịu trách nhiệm về thông tin học bạ thuộc về nhà trường nơi phát hành học bạ.

Đặc biệt, học bạ số chỉ có thể được sửa chữa nếu có sai sót trước ngày chốt dữ liệu (trước ngày 15/8). Kể từ thời điểm chốt dữ liệu, học bạ số được xem là có hiệu lực sử dụng và không thể sửa, thay đổi được nội dung.

Việc số hoá học bạ được kỳ vọng tránh được tình trạng sửa điểm “làm đẹp” hồ sơ phục vụ công tác xét tuyển vào các trường…

Hải Hà