Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Trà
Thứ sáu, 11/04/2025 - 22:33
(Thanh tra) - Một học sinh lớp 4 bị thương tích vùng kín nghiêm trọng ở Trường Tiểu học Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Nguyên nhân do học sinh này dùng gậy làm bằng tre cứng trong tiết học thể dục, sai với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Chiếc gậy học tiết thể dục làm bằng tre, sai quy định tại Trường Tiểu học Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Hương Trà
Vụ việc này có dấu hiệu vi phạm chuyên môn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, ban giám hiệu.
Bộ quy định làm gậy bằng nhựa, giáo viên cho làm bằng tre
Theo tìm hiểu được biết, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Tén Tằn bị thương tích vùng kín nghiêm trọng ở trường là do dùng gậy bằng tre cứng, chơi đùa trong tiết học thể dục sáng 15/1. Học sinh chống hai tay vào đầu gậy, đầu kia tỳ xuống mặt sân và nhảy qua háng, không may trượt tay đâm vào vùng kín gây thương tích. Trong khi đó, theo kế hoạch năm học 2024 - 2025 của Trường Tiểu học Tén Tằn, tiết học môn giáo dục thể chất dùng dụng cụ gậy là từ tuần thứ 10 đến thứ 12 (học kỳ I).
Tiết học môn giáo dục thể chất sáng 15/1 là tuần thứ 19 (học kỳ II), trong kế hoạch của năm học là bài “bật nhảy chụm chân”. Nhưng giáo viên lại yêu cầu học sinh đem gậy đến học là sai với kế hoạch năm học, vi phạm về chuyên môn.
Theo thông tư 37 năm 2021 của Bộ GD&ĐT ban hành thiết bị dạy học cấp tiểu học quy định: Chiếc gậy phục vụ học bài thể dục làm bằng nhựa hoặc gỗ, đường kính khoảng 30mm, dài 400mm. Trường Tiểu học Tén Tằn yêu cầu phụ huynh làm gậy học môn giáo dục thể chất bằng tre cứng là sai với quy định của Bộ GD&ĐT.
Thầy giáo Vi Văn Hưn - dạy môn giáo dục thể chất, Trường Tiểu học Tén Tằn, thừa nhận, tiết học thể dục sáng 15/1 không phải là tiết học có dùng gậy. Hôm đó, giáo viên yêu cầu đem gậy đi học thì học sinh đem theo. Chiếc gậy này làm bằng tre, dài từ 70 - 80cm, do phụ huynh tự làm. Sau khi học xong, học sinh tự đem chiếc gậy về nhà.
Thầy giáo Vi Văn Hưn cho biết thêm: “Đầu năm học 2024 - 2025, tôi không thấy ban giám hiệu nhà trường cấp thiết bị, đồ dùng để dạy tiết học thể dục với gậy nên tôi yêu cầu phụ huynh tự làm gậy bằng tre, để học sinh đem đến lớp học. Sự việc học sinh bị thương vùng kín nghiêm trọng do sử dụng gậy tre trong tiết học là điều đáng tiếc, có phần trách nhiệm của tôi”.
Thiết bị, đồ dùng dạy học phải an toàn, nhà trường phải quản lý
Ngày 9/4, ông Trịnh Vĩnh Long - Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết, đầu năm học, các nhà trường phải chuẩn bị thiết bị, đồ dùng dạy học đảm bảo an toàn để giáo viên sử dụng khi lên lớp.
Đối với từng bộ môn, có danh mục thiết bị, đồ dùng dạy học của Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường phải mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học theo danh mục này, hoặc được cấp theo quy định. Nhà trường phải có trách nhiệm quản lý thiết bị, đồ dùng dạy học bằng cách đưa vào phòng thiết bị giáo dục bảo quản sau mỗi tiết học. Đến mỗi tiết học, giáo viên lấy thiết bị, đồ dùng phù hợp với tiết dạy. Sau khi dạy xong, giáo viên trả lại phòng thiết bị của nhà trường.
Ông Trịnh Vĩnh Long cho biết thêm: “Đối với thiết bị, đồ dùng dạy học mà giáo viên, phụ huynh học sinh tự làm đều phải đúng quy chuẩn của Bộ GD&ĐT. Các nhà trường, giáo viên cần nghiêm túc quản lý, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học đúng quy định. Còn chiếc gậy làm bằng tre để học môn giáo dục thể chất là không đúng quy định của Bộ GD&ĐT”.
Trường tiểu học Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Hương Trà
Ban giám hiệu chỉ nhận kiểm điểm, rút kinh nghiệm
Trước đó, Báo Thanh tra đã có bài: “Thanh Hoá: Xử lý nghiêm vụ hiệu trưởng chậm báo cáo việc học sinh bị thương nghiêm trọng ở trường”, phản ánh việc sáng 15/1, một học sinh lớp 4 (xin giấu tên) bị thương vùng kín, rách tầng sinh môn, rách trực tràng trong giờ học thể dục tại Trường Tiểu học Tén Tằn.
Điều mà dư luận tại địa phương bức xúc là sau khi xảy ra vụ việc, ông Phạm Đăng Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tén Tằn giấu thông tin, không báo cáo lãnh đạo UBND huyện, Phòng GD&ĐT Mường Lát, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức công vụ.
Sau gần ba tuần, đến ngày 6/2, sau khi dư luận và báo chí phản ánh, vào cuộc ông Phạm Đăng Dung mới báo cáo lãnh đạo UBND huyện.
Ngày 9/4, ông Phạm Đăng Dung cho biết: “Nhà trường không quản lý gậy học môn giáo dục thể chất tại trường. Gậy này là do giáo viên môn giáo dục thể chất tự phát yêu cầu phụ huynh làm cho học sinh. Sau khi sự việc xảy ra, Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên liên quan đã viết giải trình báo cáo lãnh đạo UBND huyện. Ban Giám hiệu nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm".
Để giải quyết vụ việc có dấu hiệu vi phạm chuyên môn, quy định của Bộ GD&ĐT, phụ huynh học sinh, giáo viên địa phương đề nghị Thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa vào cuộc xác minh, làm rõ.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Là chủ đề của phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, diễn ra vào ngày 17/4.
Thái Hải
(Thanh tra) - Sau khi Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh công lập cả nước từ năm học 2025 - 2026, thì Thường trực Ban Bí thư cũng đã có văn bản chỉ đạo Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét mở rộng với học sinh trường dân lập, tư thục, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Hương Giang
Thuỳ Linh
Hải Hà
Phương Anh
Thu Huyền
Trọng Tài
Trần Quý
Nam Dũng
Cảnh Nhật
Hoàng Hiệp – Lê Linh
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc
Hưng Thanh
Trọng Tài
Giang Sơn
Trung Hà