Quan tâm, chia sẻ và định hướng giúp trẻ đọc những trang sách hay và bổ ích

Ông Lê Như Tiến chia sẻ, sách là tài sản vô giá, là người bạn tốt; sách cũng là nơi lưu trữ toàn bộ sản phẩm tri thức của con người, giúp ích cho con người hiểu về mọi mặt trong đời sống, xã hội. Vậy, để xây dựng thành công thói quen đọc sách ở trẻ em, cần phải tạo được môi trường và không gian đọc sách, mà ở đó có sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội.

leftcenterrightdel
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: K.A

“Theo tôi, ở trong mỗi gia đình, ông bà và cha mẹ cũng nên dành chút thời gian để duy trì việc đọc và chia sẻ những điều hay ý đẹp ở trong mỗi cuốn sách cho con cháu của mình cũng bởi "sách là bạn của tuổi già đồng thời là thầy của tuổi trẻ".

Ở nhà trường, cũng cần lan tỏa phong trào đọc sách thông qua các cuộc thi review sách về các chủ đề: Tìm hiểu về các danh nhân lịch sử, câu chuyện lịch sử, những kỹ năng an toàn cho trẻ em, tình huống giao tiếp, những tấm gương hiếu học lao động giỏi mà em biết... để khuyến khích các em nhỏ có đam mê đọc sách, thêm chăm học, chăm đọc sách nhiều hơn".

Trong những năm gần đây, chúng ta cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội đang dần hình thành những nhóm đọc sách và thảo luận về sách thu hút lượng lớn người tham gia. Chính từ những hội nhóm này đã giúp việc đọc sách có chiều sâu hơn, khi mọi người được cùng thảo luận về cuốn sách mà mình yêu thích.

“Chính việc giao lưu bạn đọc trên nền tảng mạng xã hội đã mang đến một cảm hứng đọc mới cho độc giả thời công nghệ. Xin nhấn mạnh thêm, với sự chuyển đổi số mạnh mẽ, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chúng ta nên quan tâm đến văn hóa đọc trên không gian mạng, cũng không quá cực đoan về việc nhìn thấy con em của mình chăm chăm nhìn lên màn hình điện thoại thông minh, laptop, iPad... mà cho rằng không nên, là vô bổ.

Tôi cho rằng, đó là xu thế tất yếu, ở đó các em đang tìm thấy nguồn cảm hứng đọc sách trên các app đã được công nghệ số hóa, chỉ cần chúng ta quan tâm, chia sẻ và định hướng cho con em mình để đọc những trang sách hay và bổ ích.

Xu hướng đọc sách hiện đại quan trọng là phải đạt được mục đích cuối cùng là đong đầy tri thức, làm hành trang hướng tới một tương lai tốt đẹp của các em”, ông Lê Như Tiến bày tỏ sự mong muốn.

Trang bị cho học sinh chủ động tiếp nhận tri thức thông qua sách

Cô Trần Thị Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vinschool Smart City cho rằng, để trẻ em có hứng thú với việc đọc sách, trên toàn hệ thống của Vinschool ngay từ ngày đầu năm học thành lập đã triển khai Dự án Văn hoá đọc nhằm trang bị cho học sinh khả năng tự học, tự đọc, chủ động tiếp nhận tri thức thông qua sách.

leftcenterrightdel
Cô Trần Thị Thanh Hà. Ảnh: T.T

Cô Hà cho biết, thư viện của trường luôn là điểm đến yêu thích của học sinh. Mỗi tuần, các lớp đều có tiết đọc sách tại thư viện. Nhằm rèn cho các em học sinh có thói quen đọc sách, nhà trường cũng có quy định, mỗi học sinh đều thực hiện đọc hết 10 - 15 đầu sách trong danh mục đọc của năm học và danh mục sách đọc trong hè; bắt buộc ghi nhật ký đọc và mượn thư viện ít nhất 2 cuốn sách tiếng Việt/học kỳ. Các em cũng luôn được các thầy cô giáo kiểm tra phần đọc sách tiếng Anh trên phần mềm mỗi tuần.

“Không có gì vui sướng hơn khi nhìn thấy các em học sinh say mê bên những trang sách bởi “chẳng có người bạn nào thầm lặng và chung thủy như sách. Chẳng có cố vấn nào thông thái vượt bậc hơn sách. Sách là người thầy kiên nhẫn nhất cuộc đời con người chúng ta (Charles William Eliot)"", cô Hà chia sẻ.

Đọc sách để cảm nhận sức mạnh của ngôn từ, tìm thấy nhiều câu trả lời trong cuộc sống

leftcenterrightdel
Em Bùi Nguyên Gia Bảo. Ảnh: T.T

Về ý nghĩa của việc đọc sách, em Bùi Nguyên Gia Bảo, học sinh lớp 4A2 Trường Tiểu học Vinschool Smart City chia sẻ: "L.Tôn-xtôi từng nói đọc một cuốn sách hay cũng như trò chuyện với một người bạn thông minh”.

"Con nghĩ rằng, chúng ta ít đọc sách, khi chúng ta nhìn thấy một thứ gì đó đặc biệt, sẽ chỉ biết thốt lên: Ô, đẹp thế, đẹp phết nhỉ! Còn nếu chăm chỉ đọc sách, chúng ta sẽ biết mô tả cặn kẽ nó đẹp ra sao và có điều gì thực sự khác biệt, ấn tượng chứ không chỉ một, hai câu cảm thán. Vì vậy, chúng ta hãy chăm chỉ đọc sách để cảm nhận rõ nét sức mạnh của ngôn từ, điều đó cũng có thể góp phần làm thay đổi hành vi, thái độ của người khác theo hướng tốt đẹp hơn". 

Còn em Nguyễn Ngọc Vũ Vũ, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cho rằng, đọc sách giúp các em tự tin thể hiện bản thân hơn.

leftcenterrightdel
Em Nguyễn Ngọc Vũ Vũ. Ảnh: T.T

“Nhà con có một góc riêng đặt tủ sưu tập sách của từng thành viên trong gia đình. Chỉ cần nhìn vào đó là ai cũng hình dung ra sở thích, tính cách của mỗi thành viên. Con đặc biệt thích những cuốn sách về hạt giống tâm hồn, bởi chúng giúp con giải đáp được nhiều thắc mắc ở tuổi vị thành niên mà đôi khi bố mẹ bận, không thể trả lời con được. Sách giúp con tự tìm thấy câu trả lời cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống để con tự tin bước vào đời cùng với hành trang tri thức mà thầy cô dạy dỗ ở trường lớp", em Vũ chia sẻ. 

Em Phạm Mỹ An, học sinh lớp 2A3, Trường Tiểu học Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) rất yêu thích việc đọc sách đặc biệt là truyện tranh.

leftcenterrightdel
Bé Phạm Mỹ An. Ảnh: T.T

Mỹ An nói: "Đọc truyện giúp con xả stress mỗi ngày. Thay vì xem tivi hay chơi game, con thường dành 1 - 3 tiếng mỗi ngày để đọc sách và đọc truyện. Việc đọc sách giúp con vừa cải thiện khả năng, tốc độ đọc vừa giúp con có vốn từ phong phú để khi làm văn ở lớp hay khi thuyết trình trước thầy cô và các bạn con không bị bí từ.

Truyện tranh không hề nhàm chán. Chúng giúp con rút ra nhiều bài học bổ ích đằng sau những câu truyện cười. Trong khi sách khoa học giúp con lý giải những vấn đề mà đôi khi bố mẹ con cũng không biết. Ví dụ vì sao nắp chai lại có hình thù như thế, khi bị bạn bắt nạt con nên làm gì?...". 

Em Nguyễn Minh Quân, lớp 6A1 Trường Quốc tế Iris (tỉnh Thái Nguyên) cho hay, đọc sách là thói quen tỷ phú mà ai cũng có thể dễ dàng sở hữu. 

leftcenterrightdel
Em Nguyễn Minh Quân. Ảnh: T.T 

"Không chỉ mê đọc sách con còn thích review các cuốn sách hay để lan toả tới thầy cô và các bạn. Tất cả các tỷ phú trên thế giới đều có thói quen này và họ dành nhiều thời gian đọc hơn cả làm công việc chuyên môn. Bởi vậy nếu muốn trở nên xuất sắc, hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất là hình thành thói quen đọc mọi lúc, mọi nơi bởi sự đọc không bao giờ là đủ và hãy bắt đầu ngay từ bây giờ", em Quân chia sẻ. 

Thanh Thanh