Tại Kết luận thanh tra số 63 ngày 20/5/2024 được Thanh tra tỉnh Hoà Bình công khai mới đây cho thấy, trong thời kỳ thanh tra (từ 15/6/2021 đến 30/11/2023) các cơ quan, đơn vị đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.

TTHC thông thoáng, nhanh gọn

Kết quả thanh tra cho thấy các đơn vị được thanh tra đã triển khai nghiêm túc, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh về kiểm soát TTHC. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn cao. Đã thực hiện chỉ đạo, rà soát, đánh giá TTHC theo kế hoạch của UBND tỉnh và đề xuất phương án đơn giản hóa đối với các TTHC thuộc thẩm quyền. Đã thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết theo quy định. Đã niêm yết công khai TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã; trang thông tin điện tử của sở, của huyện theo quy định.

Công tác thực hiện nhiệm vụ, công vụ của CBCCVC trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp luôn được quan tâm, quán triệt. Thực hiện việc đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường trực tuyến, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC hoàn toàn trên môi trường trực tuyến, đảm bảo liên thông ba cấp xã, huyện, tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, xây dựng đạo đức công vụ của CBCCVC. Thường xuyên đôn đốc, giám sát công chức được giao giải quyết TTHC thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình quy định, giải quyết nhanh gọn hồ sơ, thủ tục cho tổ chức, công dân, không gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và công dân. Trong giai đoạn thanh tra, không có CBCCVC vi phạm về thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải xử lý kỷ luật.

Công tác rà soát đánh giá TTHC được thực hiện thường xuyên, liên tục và đảm bảo theo quy định. Các đơn vị được thanh tra đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá TTHC, kiến nghị với UBND tỉnh và Trung ương ban hành các quy định sửa đổi phù hợp với thực tiễn.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp của các đơn vị được thanh tra cơ bản đáp ứng yêu cầu, góp phần hiện đại hóa hành chính, phát triển Chính quyền số của địa phương; tính đến thời điểm thanh tra 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình và tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến năm sau đạt cao hơn năm trước.

leftcenterrightdel
Sở Tư pháp tỉnh Hoà Bình. Ảnh: TK 

Còn một số hồ sơ TTHC quá hạn, chưa đúng quy trình

Kết quả thanh tra cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế tại các đơn vị. 

Tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chưa thực hiện đầy đủ quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để lưu trữ, tái sử dụng theo quy định; chưa thực hiện đầy đủ việc lập hồ sơ công việc và lưu trữ hồ sơ điện tử của chuyên viên trên hệ thống quản lý văn bản.

Công tác giải quyết hồ sơ TTHC còn một số hạn chế như: Một số hồ sơ chưa thực hiện đúng quy trình điện tử trong giải quyết TTHC; vẫn còn một số hồ sơ giải quyết quá hạn; một số hồ sơ tích yêu cầu bổ sung hồ sơ nhưng không đính kèm phiếu yêu cầu bổ sung hồ sơ lên hệ thống; một số hồ sơ chưa có sự tham gia của lãnh đạo trong quá trình giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Còn có một số hồ sơ phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ còn thiếu chữ ký, không có thời gian giao nhận hồ sơ; 3 hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài không lưu phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ, không có chữ ký của bên nhận bàn giao hồ sơ.

Tại Sở Tư pháp, một số hồ sơ cập nhật chưa đầy đủ thành phần hồ sơ lên hệ thống.

Tại Ban Dân tộc tỉnh: Một số hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết phát sinh nhưng chưa thực hiện tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo quy định tại Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh Hoà Bình.

Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến thấp, hồ sơ giải quyết TTHC chưa được cập nhật đầy đủ lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo đúng thời gian quy định; năm 2022 có 10 hồ sơ giải quyết quá hạn nhưng không có văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân theo quy định. Đến tháng 6/2023 toàn bộ hồ sơ giải quyết TTHC đã được tích hợp tiếp nhận và giải quyết trực tuyến.

Tại UBND huyện Lạc Thuỷ, một số hồ sơ TTHC trong một số lĩnh vực thực hiện chưa đúng quy định: Tư pháp, Văn hóa - Thông tin, Kinh tế - hạ tầng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện mới chỉ scan hồ sơ giải quyết TTHC vào hệ thống phần mềm, chưa phân loại, ký số hồ sơ để lưu trữ, tái sử dụng theo quy định.

Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình năm 2023 đạt 33,13%, chưa đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao là đến hết năm 2023 tối thiểu đạt 50%.

Vẫn còn hồ sơ chậm cập nhật kết quả giải quyết lên Hệ thống, thời hạn giải quyết còn chậm; chậm tích kết thúc trên hệ thống; một số phiếu kiểm soát giải quyết thiếu chữ ký của người giao, người nhận; thiếu chữ ký của người nộp hồ sơ trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; một số hồ sơ yêu cầu bổ sung nhưng chưa cập nhật hoặc chậm cập nhật, thông báo bổ sung hồ sơ; một số hồ sơ chưa scan thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết lên hệ thống Một cửa điện tử.

Thanh tra tỉnh Hoà Bình xác định trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo các đơn vị phụ trách lĩnh vực và công chức được giao nhiệm vụ giải quyết TTHC.

Đồng thời kiến nghị các đơn vị được thanh tra và UBND tỉnh một số nội dung trong việc giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ hành chính công ngày càng tốt hơn.

Trần Kiên