Tỉnh ủy vào cuộc

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, với nhiều di tích, thắng cảnh đẹp, lại có bờ biển dài, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên, cũng như nước bạn Lào, Bình Định có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, tiềm năng của du lịch Bình Định dường như vẫn chưa được đánh thức. Kỳ vọng trở thành một điểm đến hấp dẫn, để du khách mong muốn đến tận nơi tận hưởng các dịch vụ, sản phẩm du lịch chứ không chỉ là qua các trang sử hào hùng, các áng văn thơ đã thôi thúc lãnh đạo địa phương “xắn tay” vào cuộc.

Bối cảnh cuối năm 2016, tổng doanh thu toàn ngành du lịch cả năm chưa tới 1.500 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn; số lượng cơ sở lưu trú nói chung, cơ sở lưu trú cao cấp nói riêng còn rất hạn chế. Trong khi đó, giao thông lại khó khăn, bất tiện.

Khi đó, Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 20/10/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 được ra đời.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình gồm 31 thành viên, do ông Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy) làm Trưởng ban.

Hàng loạt văn bản được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành, hiện thực hóa Chương trình hành động của Tỉnh ủy, trong đó có một số nội dung quan trọng như: Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;  Định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035;  Kế hoạch thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn; 5 Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Định ...

Chuyển biến toàn diện

Sự quyết liệt của Trưởng ban chỉ đạo, cùng toàn bộ hệ thống chính trị đã tạo chuyển biến toàn diện, trên mọi mặt. Sau 4 năm, du lịch Bình Định không chỉ khởi sắc, mà đã có bước phát triển thần kỳ.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2019 là 16,7%/năm. Tổng doanh thu du lịch năm 2019 đã gấp 4 lần năm 2016, đạt mức 6.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 là 55,07%/năm.

Cuối năm 2019, tức là chỉ sau 3 năm triển khai chương trình hành động số 06, số lượng khách đến tỉnh đạt 4.829.000 lượt, trong đó có 484.000 lượt khách quốc tế. Về cơ sở lưu trú, năm 2019, toàn tỉnh có 295 khách sạn, đến tháng 9/2020 toàn tỉnh có 324 khách sạn với tổng số phòng đạt 8.034 phòng; tăng 5.404 phòng so với năm 2016.

Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch, năm 2019 đạt 2,7 ngày, trong đó khách quốc tế đạt 3,5 ngày, khách nội địa 2,5 ngày; đến tháng 9/2020, số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch đạt 3 ngày, trong đó, khách quốc tế đạt 3,5 ngày, khách nội địa 2,5 ngày.

Đến hết năm 2019, tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch đạt trên 8.900 lao động.

Có được những thành quả trên, ngoài sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống, còn có sự quyết tâm, sát sao, sáng tạo và dấn thân của Trưởng ban chỉ đạo tỉnh. Trong đó, Ban Chỉ đạo cũng như UBND tỉnh đã xác định đúng điểm đột phá là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Vì thế, công tác thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đẩy mạnh. Tỉnh đã tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín để tạo đột phá trong việc xây dựng các khu du lịch trọng điểm theo quy hoạch phát triển du lịch và huy động nguồn vốn đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu quy mô lớn, cải thiện cơ sở hạ tầng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bình Định.

leftcenterrightdel
Du khách check-in trong Khu du lịch 5 sao tại Quy Nhơn. Ảnh: Chu Đình Hoàng 
 

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 49 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 39.353 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án về khách sạn; 35 dự án về khu du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu phức hợp, căn hộ du lịch; 1 Học viện Golf; 1 Viện đào tạo hàng không; 1 công viên động vật hoang dã và 1 Trung tâm đào tạo kỹ năng sống.

Nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Dự án Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý; Học viện golf FLC Quy Nhon; Quần thể du lịch, lịch sử tâm linh chùa Linh Phong; Khu dã ngoại Trung Lưong và Crown Retreat Quy Nhon Resort (Cát Tiến, Phù Cát); Khách sạn Hương Việt; Khách sạn Anya; Resort cao cấp Anatara, Casa Marina Resort (Bãi Xếp, Ghềnh Ráng)... Một số dự án có quy mô đầu tư lớn đang triển khai như: Giai đoạn 2 dự án Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý (The Coastal Hill) quy mô 1.200 phòng tiêu chuẩn 5 sao; dự án Maia Quy Nhơn Beach -  khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 4 sao quy mô 755 phòng; dự án Khu du lịch cộng đồng Làng Sông; Khu du lịch Hải Giang Merry Land...

Song song với việc phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Trong đó đáng chú ý là đầu tư mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, mở các chuyến bay mới tới các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh), khai trương các chuyến bay quốc tế tới Quy Nhơn. Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối từ sân bay tới trung tâm, rồi các khu, điểm trong tỉnh.

Hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch từng bước được hoàn thiện; tuyến đường quốc lộ 1A, 1D đi qua tỉnh đã cơ bản hoàn thành nâng cấp, mở rộng; hoàn thành tuyến đường Quốc lộ 19 mới (đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1), đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát, đường phía Tây tỉnh ĐT 638 nối thành phố Quy Nhơn với Khu Công nghiệp Becamex Bình Định, đường vào ga Diêu Trì, đường nối từ đường trục Khu kinh tế đến Khu tâm linh chùa Linh Phong, đường ven biển ĐT 639 đoạn từ Cát Tiến đến Đề Gi.

Sản phẩm du lịch được phát triển gắn với lợi thế của tỉnh. Du lịch biển, đảo trở thành thương hiệu của du lịch Bình Định. Trong đó, đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch sinh thái, khám phá biển, lặn biển ngắm san hô; phát triển sản phẩm thể thao, vui chơi giải trí ở các bãi biển gắn với mua sắm, ẩm thực, Lượng khách tham quan, khám phá du lịch biển, đảo ngày càng tăng, nhất là tại các khu vực có rạn san hô đẹp như Hòn Khô, Kỳ Co, đảo Nhơn Châu, các làng chài...

Các sản phẩm du lịch cộng đồng, gắn với trải nghiệm ẩm thực địa phương, mua sắm đặc sản, hải sản được thúc đẩy, hỗ trợ phát triển. Các lễ hội truyền thống được phục dựng, gắn với phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử và khai thác quảng bá có hiệu quả loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định, các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và thế giới như hát bội, bài chòi, võ cổ truyền...

Đồng thời công tác quảng bá, xúc tiến cũng được tỉnh rốt ráo triển khai. Ngoài việc phát huy lợi thế của các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn, tỉnh còn phối hợp xây dựng nhiều phim quảng bá về du lịch Bình Định phát trên các kênh VTV1, VTV2, VTV6, HTV...

Xây dựng mớỉ nhiều ấn phẩm phục vụ quảng bá du lịch như: cẩm nang du lịch đa ngôn ngữ, sổ tay du lịch, bản đồ du lịch, đĩa phim DVD...; nâng cấp, hoàn thiện nội dung và hình ảnh của trang web du lịch Quy Nhơn - Bình Định.

Tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình kết nối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long để đưa khách về Bình Định thông qua các Hội nghị, Hội thảo và các chương trình Presstrip, Farmtrip dành cho các đoàn phóng viên, báo đài, doanh nghiệp lữ hành đến Bình Định. Phối hợp với Tổng cục Du lịch tham gia các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nước ngoài.

Tuy đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Bình Định, nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành du lịch Bình Định đang vừa chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, vừa chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự bùng nổ tiếp theo của ngành khi đại dịch đi qua, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt khách du lịch như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX đã đề ra.

Vi Sa