Khu di tích danh thắng Yên Tử mở cửa đón du khách từ ngày 27/1. Ngay từ mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Yên Tử đã đón gần 1.500 khách và tiếp tục gấp đôi vào những ngày tiếp theo. Cao điểm là ngày mùng 4 và 5 Tết, đã đón trên 36.000 lượt khách.

Cùng với Yên Tử, từ ngày mùng 1 Tết đến nay, đền Cửa Ông - Cặp Tiên cũng đã đón trên 73.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái.

Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên Nguyễn Duy Thanh cho biết, kể từ khi có dịch Covid-19, chưa bao giờ đền Cửa Ông đón lượng khách lớn như năm nay. Chỉ tính từ ngày 4 - 6/2, lượng khách luôn đạt từ 6.000 - 10.000 người.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, ngay từ trước Tết, chính quyền địa phương và Ban Quản lý đã họp bàn, xây dựng kỹ các phương án, kế hoạch đón du khách.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của đền, Ban Quản lý đền cũng bố trí đội kiểm soát dịch gồm nhân viên bảo vệ, y tế làm nhiệm vụ ngay tại cổng đền để hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt... Ngoài ra, trong khuôn viên đền đều đặt các lọ dung dịch sát khuẩn, hộp khẩu trang tại các vị trí dễ thấy để du khách sử dụng.

Bên cạnh đó, để hoạt động đón khách tại các di tích phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, năm nay, một số điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không tổ chức khai hội thường niên. Chùa Ba Vàng không tổ chức khai hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng như thông lệ mà chỉ thực hành nghi lễ tâm linh truyền thống, không tổ chức phần hội.

Chùa Ngoạ Vân (thị xã Đông Triều) cũng không mở hội theo truyền thống (ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm), chỉ thực hiện các hoạt động nghi lễ tâm linh cầu cho quốc thái dân an vào ngày “chính hội”. Các nghi lễ được tổ chức hạn chế số lượng người tham gia, thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch.

Để đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, chiêm bái, tại các điểm du lịch tâm linh, lực lượng chức năng đều trang bị mã QR để người dân khai báo y tế; cung cấp miễn phí khẩu trang, dung dịch rửa tay, sát khuẩn cho du khách; phun tiêu độc, khử trùng toàn vùng di tích…

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh để thu hút du khách. Theo thống kê, hàng năm, các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh thu hút 4-5 triệu lượt khách du lịch, danh lam thắng cảnh thu hút 7-8 triệu lượt, doanh thu từ thu phí tham quan đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng/năm…

Quảng Ninh hiện có hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc.

Hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác.

Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 6 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ 1- 6/2), chùa Ba Vàng (TP Uông Bí) đón 57.500 lượt khách; đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đón trên 52.300 lượt khách; chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn) đón trên 30.000 lượt khách; chùa Ngọa Vân (thị xã Đông Triều) đón trên 43.000 lượt khách… 

Bài 3: Doanh nghiệp thay đổi để thích ứng

Trọng Tài