QL 14D có chiều dài gần 80km, nối từ đường Hồ Chí Minh lên Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang, nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây chạy qua lãnh thổ 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan, đóng vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hoá và phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng và cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nhiều đoạn mặt đường nát như tương, chi chít ổ voi, ổ gà, gây khó khăn và nỗi ám ảnh của nhiều người dân lẫn cánh tài xế khi lưu thông qua đây.

Rất nhiều đoạn đường từ xã Cà Dy (trung tâm hành chính huyện Nam Giang cũ) lên xã La Dêê bị bong tróc toàn bộ mặt đường, nhiều đoạn taluy bị trôi đá, sạt lở nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân sở tại, nguyên nhân gây hư hỏng nặng QL14D là do có nhiều xe vận tải bauxite từ Lào về Việt Nam để xuống QL 1A đi các Cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) hoặc Cảng Quy Nhơn (Bình Định) xuất hàng quá cảnh đi Trung Quốc tiêu thụ.

Có thời điểm vài chục xe vận tải lớn nối đuôi nhau lưu thông trên đường vì nhu cầu xuất bauxite tăng đột biến, gây khó khăn cho các phương tiện vận tải nhỏ và người lưu thông bằng xe khách, xe máy.

Mặt khác, từ khi mở cửa khẩu quốc tế đến nay đã gần 20 năm nhưng không được đầu tư xây dựng kiên cố, tuyến đường cũ phải oằn mình gánh chịu xe tải trọng khoảng 30 tấn; cộng với thời tiết mưa lũ bất thường làm tuyến đường đã xuống cấp ngày càng hư hỏng nặng.

Tuyến đường hiện nay có tiêu chuẩn thấp, nhiều đường cong nhỏ, kết cấu mặt đường yếu, luôn hư hỏng dù đã sửa chữa thường xuyên vẫn không đảm bảo lưu thông cho các xe vận chuyển hàng hóa có tải trọng lớn. 

leftcenterrightdel
Nhiều đoạn mặt đường bị cày xới. Ảnh: N.P 

Ông Tơ Đêl Dang (trú xã Chal Val, Nam Giang) cho biết, vài năm nay, đoàn xe chở quặng bauxite từ Lào về cày nát đường, cuộc sống người dân bị đảo lộn, ngày đêm phải đóng cửa vì bụi bặm xông và nhà.

"Người dân chúng tôi mong tuyến đường sớm được nâng cấp, cải tạo để xe cộ lưu thông đỡ bụi và an toàn tính mạng; nhất là thời điểm con trẻ đến trường học tập…", ông Dang nói.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần phản ánh và đề nghị Trung ương xem xét đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này.

Trong đó, tỉnh đề nghị đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp QL 14D theo hình thức BOT. Tuy nhiên, qua xúc tiến, mời gọi đầu tư không có doanh nghiệp nào hưởng ứng theo hình thức đầu tư trên. Trong khi đó, lưu lượng hàng hoá qua lại Cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng nhiều và việc mở rộng, nâng cấp QL 14D là rất cấp thiết.

Vào tháng 7/2023, tỉnh đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025 và 2026 - 2030 để mở rộng, nâng cấp QL 14D theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030), đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn, với tổng mức đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có phương án nâng cấp, cải tạo QL 14D từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ nguồn vốn cho bộ.

Bộ GTVT đã nghiên cứu, lập chủ trương đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp QL 14D, nhưng chưa cân đối được nguồn vốn để triển khai.

Theo đại diện 5 doanh nghiệp đang hợp đồng vận chuyển bauxite từ Lào về tuyến QL 14D, để giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông, các doanh nghiệp này đóng góp 100 triệu đồng/doanh nghiệp để sửa chữa tạm thời các điểm hư hỏng nặng trên tuyến đường; chứ không có khả năng huy động vốn sửa chữa toàn tuyến được.

Như vậy, trong lúc chờ đợi phương án mở rộng, nâng cấp theo hình thức đầu tư công, con đường này ngày càng nát tương bởi hằng ngày gánh một lượng lớn xe tải trọng quá lớn.

Ngọc Phó