Người dân thôn Suối Giếng, xã Công Hải cho biết, trước đây kênh thoát lũ Võ Tá nằm cách xa đất ở, đất sản xuất… gần chục mét, tuy nhiên cứ vào mùa mưa lũ, nước đổ từ thượng nguồn về khiến đất ở, đất sản xuất của người dân lại bị trôi theo nước lũ và mất dần.

Hiện nay con kênh bị sạt lở đã áp sát vào nhà dân, mùa mưa đến người dân lại lo sợ sẽ bị nước lũ cuốn trôi nhiều tài sản, nhà cửa.

Tới mùa mưa lũ là chạy

Để ghi nhận thực tế về tình trạng trên, chúng tôi đã đến thôn Suối Giếng, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc.

Chị Aduk Thị Bơ ở thôn Suối Giếng nói với chúng tôi: "Mấy ngày nay có mưa lớn mọi người lại sống trong lo sợ. Nước từ thượng nguồn hồ Sông Trâu về bất ngờ. Năm trước, cũng mưa lớn mấy ngày liên tục nước bất ngờ về trong đêm gia đình không kịp trở tay nên xoong nồi, chén bát, một số con gà… trôi theo nước lũ luôn. Mấy năm gần đây cứ tới mùa mưa lũ là chúng tôi chạy, tài sản cứ để trong nhà rồi khóa cửa lại chứ di dời không kịp".

Cách nhà chị Bơ chừng chục mét, chị Aduk Thị Rim cho biết: Năm trước nước về bất ngờ về gần nửa đêm do không ai biết nên nhiều tài sản cũng bị trôi theo nước lũ. Căn nhà tôi nước ngập gần nửa nhà.

leftcenterrightdel
 Anh Aduk Y kể về chuyện nước lũ về bất ngờ làm hư hỏng tài sản của anh và làm sạt lở đất tại khu vực kênh thoát lũ Võ Tá. Ảnh: Khoa Lê

"Cứ nước lớn là cùng nhau chạy thôi. Chạy đến nhà trường hoặc nhà người quen ở tạm khi nào nước rút thì mới quay trở về", chị Rim nói.

Dẫn chúng tôi ra phía sau chuồng bò, nằm sát với bờ kênh bị sạt lở, anh Aduk Y cùng thôn nói: "Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản chúng tôi ở đây đã đổ đất, đá để gia cố lại con kênh. Hai năm trở lại đây kênh đã bị sạt lở áp sát vào nhà dân. Cứ tới mùa mưa lũ chúng tôi lại lo lắng. Như gia đình tôi năm ngoái do nước xuống bất ngờ không di dời kịp khiến 4, 5 cái máy như máy bào, máy khoan... phục vụ cho việc làm nghề mộc của tôi bị chìm trong nước hư hỏng hoàn toàn".

Ven kênh Võ Tá chủ yếu là bà con đồng bào RagLai đang sống, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Kênh Võ Tá ngày càng bị sạt lở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân.

Mong muốn sớm xây kè tại kênh thoát lũ để bảo vệ người và tài sản

Ông Pi Pur Chấu, Trưởng Ban Quản lý thôn Suối Giếng cho biết, trước thực trạng sạt lở ngày càng ăn sâu vào đất ở, đất sản xuất bà con nơi đây đã chủ động đổ đất, đá, thậm chí là trồng thêm tre để chống sạt lở.

leftcenterrightdel
Kênh thoát lũ bây giờ không khác gì con sông đã áp sát vào nhà dân. Ảnh: Khoa Lê 

Ven kênh Võ Tá chủ yếu là bà con đồng bào RagLai đang sinh sống, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Việc kênh Võ Tá ngày càng bị sạt lở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân. Ở đây đã có trường hợp nhà dân bị cuốn trôi theo nước lũ. Họ phải xây dựng nhà mới để ở.

Kênh thoát lũ bây giờ không khác gì con sông. Bà con mong muốn địa phương sớm xây kè để người dân an tâm làm ăn, sinh sống. Không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa tới.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Công Hải cho biết, hiện nay tại khu vực kênh Võ Tá có gần 50 hộ dân/100 nhân khẩu đang sinh sống, đoạn kênh bị sạt lở có chiều dài hơn 1km.

Đây là kênh có chức năng tiêu thoát nước lũ hồ Sông Trâu, khu vực Ba Hồ, Suối Đá để đưa ra biển.

Hằng năm khi lũ về thì bị sạt lở hai bên bờ kênh thoát lũ và hiện đã áp sát vào nhà dân. Nếu thời gian tới không gia cố bằng đê kè thì sẽ rất nguy hiểm có thể làm hư hỏng nhà của người dân đang sinh sống tại kênh thoát lũ Võ Tá.

Khoa Lê