Cách đây 15 năm, nhằm phát triển khu vực miền núi ở 11 huyện miền Tây Nghệ An, Bộ Chính trị đã ban hành 2 nghị quyết: Nghị quyết số 37-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 và Nghị quyết số 26-NQ/TW, về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ/TTg.

Sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và Chính phủ, trở thành tiền đề quan trọng cho các huyện miền Tây Nghệ An phát triển.

Đến nay, sau 15 năm thực hiện, nhất là 5 năm gần đây, các huyện miền Tây Nghệ An nhanh chóng có nhiều thay đổi. Bộ mặt các huyện miền núi Nghệ An thay da đổi thịt. Đường sá, cầu cống, giao thông đi lại thuận tiện. Nhà cửa, các công trình xây dựng, trường học, trạm xá, bệnh viện, công sở cơ quan khang trang sạch đẹp. Đời sống nhân dân các huyện miền Tây Nghệ An, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cải thiện và nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Các hủ tục như ma chay, nạn tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống giảm nhanh chóng. Tình trạng di cư tư do ít xảy ra. Tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy bị triệt phá và đẩy lùi. Kinh tế - xã hội phát triển bền vững, an ninh - quốc phòng được giữ vững…

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đã sáng rõ. Chúng ta rất cần động lực mới về cơ chế, chính sách có tính tổng lực. Trong khi nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn hẹp, thì sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương đặc biệt quan trọng. Cùng đó, nhiều chính sách hiệu quả thiết thực từ Chương trình 135, Nghị quyết 30a thì Nghệ An đã phân công 113 cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ giúp đỡ 115 xã nghèo trên địa bàn 11 huyện miền Tây của tỉnh…

Hiện, thu nhập bình quân đầu người của các huyện miền Tây Nghệ An đạt gần 29 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt gần 16.000 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An có 64/203 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 4 xã khó khăn thuộc huyện 30a đạt chuẩn NTM; có 97 thôn bản đạt chuẩn NTM và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhiều huyện miền Tây Nghệ An chủ động gắn xây dựng NTM cấp thôn, bản với du lịch cộng đồng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa bản làng. Điển hình như các huyện: Con Cuông, Quỳ Châu, Tân Kỳ... ngày càng khởi sắc. Các bản Nưa, bản Pha, xã Yên khê; bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; bản Xiềng, xã Môn sơn; bản Yên Thành, xã Lục Dạ của huyện Con Cuông. Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến của huyện Quỳ Châu. Bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ.

Sau nhiều năm thực hiện, những đề án điểm như: Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020; xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã biên giới; phát triển sản xuất nông nghiệp các huyện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thay đổi toàn diện các huyện vùng cao Nghệ An. Trong 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường đến năm 2020 đề ra trong Quyết định số 2355/QĐ-TTg, có 20 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt.

leftcenterrightdel
 Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con DTTS miền Tây Nghệ An thu hút khách du lịch. Ảnh: TL
Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn phấn khởi cho hay: Thực tế 5 năm qua, từ các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, sự năng động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các huyện phía Tây của tỉnh trong đó có Kỳ Sơn đã có những bước đột phá lớn. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, miền Tây Nghệ An vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế còn thấp; khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản hiệu quả chưa cao. Thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao. Một số hủ tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ. Mức sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thấp...

Do vậy, trong giai đoạn mới Nghệ An cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án đầu tư lớn, tạo động lực để phát triển kinh tế.

Với kết quả đạt được, Nghệ An đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 đối với khu vực miền Tây có 80% số thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM.

Sau khi Quốc hội phê duyệt Nghị quyết về “Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 của kinh tế - xã hội.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây Nghệ An trong giai đoạn mới tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ, tạo thuận lợi thu hút đầu tư các dự án lớn tạo nhiều lao động cho người DTTS… đồng thời bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc.

Trần Lê - Xuân Thống