Từ ngày 14/10, trên địa bàn Đà Nẵng bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 và suy yếu dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt dới và không khí lạnh, trên địa bàn TP có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-700mm, cao nhất tại Sơn Trà 775mm. Thời điểm mưa lớn nhất từ 19 giờ đến 21 giờ ngày 14/10.

Tại địa bàn quận Liên Chiểu có nguy cơ ngập nặng, chúng tôi lên đường đội mưa to, gió lớn tác nghiệp. Loay hoay chừng hơn 1 giờ tại khu vực trung tâm hành chính quận, mưa trắng trời, nước càng ngày càng dâng liên tục; nước không biết từ đâu tràn về và chỉ gần 2 giờ sau nước phủ trắng các con đường trọng điểm của quận như: Hoàng Thị Loan, Nguyễn Sinh Sắc, Hồ Tùng Mậu, Tôn Đức Thắng… gây tắc nghẽn giao thông cục bộ; rồi nước dâng tràn vào nhà dân trong các khu dân cư, chảy xiết.

Đêm ngày 14/10, Liên Chiểu gần như ngập toàn bộ, có chỗ ngập cao nhất gần 2m, thấp nhất 0,5m. Các phường ngập nặng nhiều nhất là Hoà Khánh Nam và Hoà Minh.

leftcenterrightdel
 

Hàng loạt xe ô tô, xe máy chết máy giữa dòng nước. Ảnh: P.T

leftcenterrightdel
 

Đêm qua địa bàn tất cả các quận, huyện khác của Đà Nẵng cũng bị ngập lụt diện rộng. Ảnh: PT

Theo báo cáo nhanh ngày 15/10 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, tại quận Hải Châu, các tuyến đường bị ngập nặng, nhiều nhà dân nước vô mức cao; nặng nhất là phường Thuận Phước, Thanh Bình....

Quận Cẩm Lệ có 6/6 phường mưa lớn ngập cục bộ sâu từ 0,6m đến1,5m, có nơi trên 2m. Trong đó, phường  Hòa An, Hòa Phát ngập úng cục bộ sâu 1,5m, có nơi ngập đến 2m. Phường Hòa Thọ Đông ngập úng cục bộ ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m trên tất cả các tuyến đường, trong đó ngập sâu trên 1m tại các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Nhàn, Đinh Châu, Thăng Long, khu vực Đông - Nam nút giao thông Hòa Cầm. Khoảng 3.000 hộ dân ngập nước, trong đó có khoảng 500 hộ ngập trên 1m. Có 4 trường hợp người dân đi đường bị nạn tại số 25 đường Nguyễn Nhàn do nước dâng cao chảy xiết, đã được lực lượng cứu hộ giải cứu kịp thời; đã di dời 9 người dân tại khu vực Đông - Nam nút giao thông Hòa Cầm.

leftcenterrightdel
 

Hầm chui nút giao thông cầu Trần Thị Lý bị ngập sâu. Ảnh: P.T

Quận Sơn Trà trên địa bàn có 14 tuyến đường chính bị ngập lụt, rất nhiều phương tiện giao thông chết máy nằm giữa dòng nước. Riêng các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, một số xe ô tô bị chết máy và sạt lở tại một số điểm, UBND quận hướng dẫn du khách đến chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà) để trú ẩn.

Quận Thanh Khê hầu hết các tuyến đường bị ngập nặng, nhiều khu vực nước tràn vào nhà dân từ 0,2m trở lên, khu vực Khe Cạn ngập hoàn toàn. Quận Ngũ Hành Sơn bị ngập một số tuyến đường như: Khu phố chợ Non nước, đường Trần Đại Nghĩa khoảng 30cm.

Riêng Hòa Vang nước ngập cục bộ tất cả tuyến đường trên địa bàn huyện. Xã Hòa Bắc có 5/7 thôn bị ngập nặng. Xã Hoà Liên có 13/13 thôn bị ngập nước, có nơi sâu hơn 1m; xã Hòa Nhơn có 14/14 thôn, Hòa Ninh có 8/8 thôn, Hòa Phong có 13/13 thôn ngập lụt. Riêng đoạn đường Quốc lộ 14B đi Quảng Nam bị ngập sâu từ 1m - 1,5m.

leftcenterrightdel
 

Nhiều hộ dân đường Hồ Tùng Mậu bất ngờ trước cảnh nước lụt tràn vào nhà đêm 14/10. Ảnh: P.T

Để đảm bảo an toàn, huyện Hòa Vang cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 14/10; Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho trẻ mầm non, học sinh nghỉ học từ sáng nay (15/10).

Tình hình thiệt hại về người, bước đầu thống kê có 1 người chết do đuối nước (là nữ, 16 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu); 2 người tham gia giao thông bị tai nạn thiệt hại 2 xe máy nằm dưới cầu cống.

Các thiệt hại lĩnh vực khác gồm: 7,5 ha rau màu vùng rau La Hường (Cẩm Lệ) ngập lụt. Hồ Hố Dư (Trường Quân chính) bị sạt lở.

leftcenterrightdel
 

Lực lượng bộ đội đưa các cụ già ra khỏi nhà bị ngập nước. Ảnh: P.T

Ngay trong khi nước lụt dâng cao, lãnh đạo quận Liên Chiểu đã chỉ đạo lực lượng quân đội huy động xe đặc chủng và xe múc chuyên dụng để tiếp cận hỗ trợ các phường ứng cứu những khu vực ngập sâu để sơ tán khoảng 100 hộ dân đến nơi an toàn, tập trung tại phường Hòa Khánh Nam; khu vực Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc hạ lưu sông Cu Đê.

Quận Sơn Trà sơ tán 28 hộ với 114 người, trong đó 3 người cấp cứu tại Trung tâm Y tế quận, 1 phụ nữ có thai được di chuyển an toàn đến UBND phường Thọ Quang. Quận Thanh Khê sơ tán 30 người tại khu vực Khe Cạn lên Trường THCS Lê Văn Tám. Quận Cẩm Lệ sơ tán khoảng 345 người tới nơi an toàn, 8 trường hợp người dân đi đường bị nước cuốn đã được cứu hộ kịp thời.

UBND huyện Hòa Vang đã sơ tán 382 hộ/1.440 người tại các xã: Hòa Ninh, Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc và Hòa Sơn. Xã Hòa Bắc đã đưa người làm rừng xuống nơi an toàn (khoảng 58 người), cứu nạn người dân ở khu vực Hội Yên. Xã Hòa Nhơn điều Ca nô đặc chủng cứu nạn người dân ở khu vực Túy Loan Tây 1, Hòa Phong và các hộ dân ở thôn Phước Hưng Nam…

Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã cắt cử lực  lượng giúp dân phường Thuận Phước, 14 đồng chí giúp phường Thanh Bình để hỗ trợ các hộ dân đang bị ngập nước.

leftcenterrightdel
 

Lực lượng chức năng hỗ trợ trẻ em khi nước lụt dâng cao. Ảnh: P.T

Lực lượng cứu nạn phường Hoà An, Hoà Phát triển khai cứu hộ các hộ dân ngập sâu tại khu dân cư số 3,4,6, tổ 10, 22, tổ 44 đoạn đường Vũ Lăng - Tôn Đản đưa 36 người dân ra khỏi vùng ngập sâu. Tất cả các phường ở Thanh Khê đã huy động lực lượng dân quân, bộ đội đưa thuyền thúng, thuyền phao vào hỗ trợ đưa người dân khu vực Khe Cạn (Thanh Khê Tây) ra ngoài khu vực nguy hiểm.

Theo quan sát, mực nước lụt dâng cao trên địa bàn Đà Nẵng từ 20 giờ đến 23 giờ 30 tối ngày 14/10. Sau đó rút chậm, đến 1 giờ sáng ngày 15/10 tiếp tục dâng chậm; sáng nay mới rút hẳn. Theo cụ ông Nguyễn Hộ (Hoà Minh, Liên Chiểu): “Đời tôi gần 80 năm sinh sống tại đây nhưng chưa hề biết ngập lụt là gì vì nơi đây rất cao ráo và cũng chưa từng thấy cảnh ngập lụt sâu như bây giờ…”.

Ai bảo Đà Nẵng không bị ngập lụt sâu đâu nào?.

N. Phó - Q. Thân