Việc lập các hội nhóm trên mạng xã hội hiện không khó, người dùng chỉ cần một tài khoản là có thể thành lập nhóm rồi mời mọi người tham gia với tư cách là thành viên. Nhiều đối tượng lợi dụng điều này để lập các hội, nhóm trên Zalo, Telegram, Facebook… để liên lạc, lôi kéo thực hiện nhiều hành vi phạm tội.

Đơn cử, ngày 8/3/2024, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra một vụ cướp tài sản của một phụ nữ khi vừa rút tiền từ ngân hàng trở về. Sau ít giờ điều ra, lực lượng công an đã tiến hành bắt giữ được 4 đối tượng gây án.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này khai nhận do nợ nhiều, thiếu tiền tiêu xài nên cùng tham gia nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm việc liều - Toàn quốc” trên mạng Facebook. Sau đó, 4 đối tượng đã nhắn tin riêng rồi gặp gỡ nhau để bàn bạc, thống nhất việc cướp giật tài sản của những người rút tiền tại các ngân hàng ở địa bàn thành phố Vĩnh Yên.

Trước đó, ngày 24/10/2023, tại Phòng Giao dịch Nhị Xuân, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nằm trên địa bàn huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ cướp với số tiền 3,8 tỷ đồng. Tiến hành điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ 3 đối tượng tham gia gây án. Điểm chung của các đối tượng đều không có công việc, lại nợ nần nên nảy sinh ý định đi cướp tài sản. Đáng chú ý, các đối tượng này cùng quen nhau trên hội nhóm Facebook “Những người vỡ nợ muốn làm liều".

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, hiện trên các nền tảng mạng xã hội đã và đang xuất hiện nhiều hội nhóm mang tên rất phản cảm, nhưng lại thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia như: Hội những người vỡ nợ muốn làm liều; Hội bùng app vay tiền online; Hội những người muốn tự tử; Hội báo chốt…

Các hội nhóm này thường xuyên đăng tải các bài viết tiêu cực, nội dung lệch lạc liên quan đến những việc làm trái pháp luật như rủ nhau đi cướp, trộm xe ở nhà trọ, mua tiền giả, bán dâm, đánh bạc, tụ tập đua xe “thông chốt” thách thức lực lượng chức năng… Chưa rõ tính thực hư của các thông tin được đăng tải trên các hội nhóm lệch chuẩn này, nhưng nhiều người bày tỏ lo ngại sẽ có những đối tượng thực sự vỡ nợ, hay đang có mưu đồ phạm pháp, từ đây tìm được đồng đội để cùng nhau hành động. Hai vụ cướp nêu trên đều có mầm mống từ những thông tin lan truyền, rủ rê đăng tải trên các “hội nhóm đen”.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã đưa ra những cảnh báo về trào lưu lập hội nhóm trên mạng xã hội để rủ nhau thực hiện hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật.

Cơ quan công an đã gọi hỏi, răn đe, xử phạt một số admin (người quản lý) của một số hội nhóm có hành vi hoạt động theo hướng tiêu cực, không đúng với quy định dễ gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng, thậm chí là tạo hiệu ứng đám đông cùng làm sai quy định của pháp luật. Đồng thời, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các công ty cung ứng dịch vụ mạng xã hội nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội nhóm, tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm gây phát sinh những hệ lụy xấu trong xã hội.

Ở góc độ quản lý chuyên ngành, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả với các đơn vị cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới. Thông qua các công cụ giám sát, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xác định những nội dung trái đạo đức, hội nhóm lệch chuẩn để gửi yêu cầu tới các đơn vị cung cấp dịch vụ phối hợp xử lý, ngăn chặn xóa bỏ nội dung, khóa chặn tài khoản.

Theo luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc thành lập hội nhóm trên mạng xã hội không bị pháp luật nghiêm cấm, song pháp luật Việt Nam cũng có những quy định rõ ràng, cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Người nào cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc… có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Người lập hội nhóm trên mạng xã hội, hay người tham gia là thành viên cần phải tuân thủ nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và những điều khoản quy định trong Luật An ninh mạng.

Bình An