Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, công tác an toàn thực phẩm là vấn đề trọng tâm không chỉ của một mình ngành Y tế mà còn là sự phối hợp liên ngành và của toàn thể các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ đảm bảo sức khỏe con người mà còn góp phần tích cực vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội.

Để đạt được một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm là kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt kiểm soát an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể trường học bước đầu đạt kết quả. Đồng thời, tăng cường sự tham gia quản lý, kiểm soát của chính quyền, các ban ngành và đoàn thể ở địa phương, đặc biệt phối kết hợp chặt chẽ; điều kiện vệ sinh cơ sở; nhận thức, thực hành của người tiêu dùng được nâng lên…

Bên cạnh đó, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh có sự tham gia cả hệ thống chính trị đặc biệt của người tiêu dùng. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đã đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm tới người kinh doanh và người tiêu dùng thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, đài phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp…

Còn theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội), thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.

Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã quan tâm đến các dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Chú trọng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được chế biến tại các nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống để không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội, từ đầu năm  đến nay đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của nhiều trường trên địa bàn các quận, huyện.

Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.

Thời gian qua, trong các văn bản chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm, xử lý thông tin liên quan đến các vụ ngộ độc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)  đều nhắc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc quản lý gốc nguyên liệu thực phẩm, tiến hành truy suất nguồn gốc...

Về vấn đề này, theo các chuyên gia, sự minh bạch về nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc người sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ lấy người dân làm trung tâm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người kiến tạo ra luật, quy định chung, các bên liên quan ứng xử theo luật đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính bản thân người tiêu dùng phải là những "người tiêu dùng thông thái", họ sẽ vừa là người thụ hưởng và vừa là người kiểm tra giám sát chất lượng an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng gặp không ít thách thức. Đặc biệt là trong tư duy của chủ cơ sở đối với vấn đề đổi mới sản xuất, kinh doanh, vẫn còn nhiều hạn chế, chịu ảnh hưởng bởi lối đi truyền thống trong thời gian dài, do đó chưa đánh giá được lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh thực phẩm... Do đó, để làm được việc này rất cần sự chung tay, tích cực hưởng ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng.

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác tự quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học. Tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo phân cấp. Đặc biệt, tổ chức các đoàn giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể với mục tiêu truy xuất tận gốc nơi nuôi trồng, giết mổ, thu hái, đánh bắt…

PV