Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị về công nghệ thông tin còn thiếu, lạc hậu, bởi vậy, công cuộc chuyển đổi số là một thách thức to lớn đối với tỉnh.

Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến gần 90%, tỷ lệ hộ nghèo cao, thậm chí còn một bộ phận người dân chưa biết đọc, biết viết, chưa có điện thoại di động…

Nhờ sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, đến nay, hành trình chuyển đổi số của Hà Giang đã ghi nhận nhiều chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, từng bước mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân vùng cao nơi này.

Để có được thành công, tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều biện pháp như, chủ động ký kết hợp tác với các tập đoàn viễn thông để tăng cường phát triển về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tạo điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trên 3 trụ cột, trong đó, lĩnh vực truyền thông được ưu tiên hàng đầu.

Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông trên môi trường số, Hà Giang cũng thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, qua đó góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp không khói những năm gần đây.

Điều đó được thể hiện qua con số “biết nói” như năm 2022, Hà Giang đón trên 2,2 triệu lượt khách thì đến năm 2023, con số này đã lên đến hơn 3 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 56,3% so với năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Hà Giang, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, cũng như tỉnh Hà Giang là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Nắm bắt thời cơ, ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 18-NQ/TU) về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đây được coi là kim chỉ nam cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, là định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột, trong đó tập trung xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển.

Ban chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số từ tỉnh đến xã lần lượt được kiện toàn tại tất cả các huyện thị, thành phố. 2.071 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập trên toàn tỉnh với 12.131 thành viên trở thành "cánh tay" nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền đã hướng dẫn người dân thao tác và sử dụng nhiều dịch vụ tiện ích trên không gian số như: Giải quyết các thủ tục hành chính trên thiết bị di động thông minh, sử dụng ví điện tử để thanh toán, sử dụng ứng dụng “Công dân số Hà Giang” để tương tác với các cấp chính quyền…

Nhờ đó, chỉ tính riêng trong quý II/2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết trên 143 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó, giải quyết trực tuyến được hơn 125 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ 87,3%.

Thời điểm hiện tại, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoàn thành kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia.

Tỉnh tiếp tục duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, duy trì hoạt động hiệu quả các hệ thống thư điện tử công vụ với 25.468 tài khoản thư cho cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo 100% cán bộ công chức có tài khoản thư điện tử và thường xuyên sử dụng.

Song song với đó, duy trì hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến phục vụ họp liên thông các cấp; hệ thống giám sát an toàn thông tin của tỉnh kết nối với hệ thống giám sát an toàn quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Một trong những tiện ích về chuyển đổi số có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất chính là những tác động đến từ kinh tế số. Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, 100% sản phẩm OCOP của Hà Giang được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử; 100% hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có tài khoản tham gia sàn Thương mại điện tử và được đào tạo, tập huấn.

Duy trì hiệu quả mô hình chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực chợ trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, đồng thời, triển khai hóa đơn điện tử đến 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng số, đến nay có 2.942 trạm thu phát sóng (BTS), trong đó, đã triển khai phát sóng thử nghiệm 5G phục vụ cho người dân, khách du lịch trải nghiệm miễn phí tại một số địa điểm trung tâm.

Tỷ lệ thôn được phủ sóng di động đạt 98,89%; gần 31.100 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sử dụng dịch vụ Internet thông qua chương trình viễn thông công ích; trên 431 nghìn tài khoản định danh điện tử được kích hoạt với tỷ lệ đạt 65,1%.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thử nghiệm ứng dụng “Công dân số Hà Giang”, tích hợp các chức năng dịch vụ công với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, ứng dụng đã có trên 18.157 lượt tải và 15.624 tài khoản đăng ký sử dụng.

Triển khai hệ thống nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử tại 193 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh; 100% các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được trang cấp, lắp đặt thiết bị đọc mã QRCode phục vụ triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay thế bảo hiểm y tế…

Những kết quả đáng ghi nhận đó góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Hà Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tạo nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục bứt phá, tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo.

 

Bùi Bình