Họ Lê là một họ khá phổ biến ở Việt Nam, chiếm khoảng 10% dân số nước ta. Theo phả tộc của dòng họ Lê xuất hiện ở Việt Nam từ thuở khai sinh lập địa, bắt đầu từ dân tộc Lạc Việt đến Đại Việt và nối dài đến ngày nay.

Năm 1995, sau khi thống nhất đất nước, Ban Liên lạc họ Lê ở Việt Nam tổ chức đại diện cho bà con hộ Lê cả nước lần đầu tiên được thành lập.

Hơn 1 năm sau, vào dịp lễ giỗ Vua Lê Thái Tổ, Ban Liên lạc họ Lê ở Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt của 500 bà con họ Lê toàn quốc lần thứ 2 tại Thanh Hóa, quê hương của Anh hùng Dân tộc Lê Hoàn và Anh hùng Dân tộcLê Lợi, và ra mắt Hội đồng Họ Lê ở Việt Nam.

Sau khi Hội đồng Họ Lê ở Việt Nam đi vào hoạt động, nhiều Hội đồng Họ Lê các cấp tỉnh, huyện và xã lần lượt ra đời. Từ khi thành lập cho đến nay, Hội đồng Họ Lê ở Việt Nam cùng Hội đồng Họ Lê các cấp đã làm được nhiều việc cho dòng họ và quê hương, đất nước. Nổi bật nhất là việc khởi xướng và góp phần cùng Nhà nước hoàn tang thi hài Vua Lê Dụ Tông từ Hà Nội trở về an nghỉ tại quê nhà, sau gần nửa thế kỷ lưu lạc trên trần thế.

Mục đích hoạt động hướng về cuội nguồn, tri ân tiên tổ, đền ơn đáp nghĩa, yêu nước, tự lực tự cường, sống nhân nghĩa, vị tha, xây dựng dòng họ bền vững, đoàn kết, tương thân, tương ái, có cuộc sống vật chất và tinh thần khá giả, văn minh, hạnh phúc, trong những năm qua, Hội đồng Họ Lê ở Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn và lễ hội mùa Thu Lam Kinh, thu hút sự tham gia đông đảo của hội đồng họ Lê và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhân kỷ niệm các ngày lễ, giỗ, hoạt động tri ân hướng về các vị vua Lê có công lao to lớn với đất nước như Hoàng đế Lê Đại Hành, Anh hùng Giải phóng dân tộc Lê Lợi, Hoàng đế Lê Thánh Tông, các bậc võ tướng, các anh hùng, liệt sĩ có công trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, các danh nhân văn hóa, khoa học, các bậc tiền bối có công mở mang bờ cõi, khai phá đất mới, xây dựng làng xã, giúp dân có ruộng cày, các vị thành hoàng có công với nhân dân trong vùng được Hội đồng Họ Lê các cấp đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, Hội đồng Họ Lê các địa phương đã vận động nhân dân và con cháu họ Lê đóng góp hạng chục tỷ đồng xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử như Đền thờ Nữ tướng Lê Chân tại Đông Triều (Quảng Ninh); Đền thờ tại Khu Di tích Lê Thánh Tông tại Vạn Tường (Quảng Ngãi). Các hoạt động tu bổ nơi thờ tự, lăng mộ các vị có công được các hội đồng gia tộc triển khai mạnh mẽ ở cơ sở. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong dòng họ được thực hiện rộng rãi. Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai sâu rộng, đã có Giải thưởng Lê Quý Đôn cho các cháu đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; trao học bổng vượt khó cho các cháu họ Lê có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bị mất cha mẹ trong đại dịch COVID-19...

Năm 2020, tại Hà Nội, Hội đồng Khuyến học họ Lê ở Việt Nam đã vinh danh 162 cháu đạt giải thưởng quốc tế và quốc gia, 24 cháu được nhận học bổng vượt khó.

Năm học 2020-2021, Hội đồng Họ Lê ở Việt Nam đã trao tổng số 50 Giải thưởng Lê Quý Đôn cho 2 cháu đạt giải quốc tế, 3 cháu đạt giải nhất, 19 cháu đạt giải nhì, 18 cháu đạt giải ba và 8 cháu đạt giải khuyến khích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia.

Năm học 2021-2022, Hội đồng Họ Lê đã xét và trao 56 Giải thưởng Lê Quý Đôn cho các cháu họ Lê, trong đó có 1 giải quốc tế, 4 huy chương và giải nhất, 21 giải nhì, 21 giải ba và 9 giải khuyến khích. Trong 2 năm 2021, 2022, trao 52 học bổng bằng 284 triệu đồng. Học bổng vượt khó thực sự là sự động viên rất lớn đối với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngày 17/9/2023, tại Khu Du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, dòng họ Lê ở Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028, với gần 300 đại biểu của 34 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự. Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân được bầu làm Chủ tịch Dòng họ Lê ở Việt Nam khóa IV.

Văn Thanh