Tại Quảng Trị, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kêu gọi toàn bộ 2.302 tàu, thuyền với 6.136 thuyền viên vào neo đậu tại các bến an toàn.

Từ 19 giờ ngày 25/9, tỉnh Quảng Trị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; trước 17 giờ ngày 26/9 tàu thuyền phải được sắp xếp tránh trú bão an toàn.

Tại các địa điểm neo đậu tàu thuyền, các lực lượng chức năng kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trường hợp cần thiết sẽ thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Tỉnh cũng đã lên các phương án, kịch bản di dân tránh bão và tránh lũ, đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; vận động nhân dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7-10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài...

Đà Nẵng đã lên kịch bản sơ tán dân tránh bão số 4 với cấp độ cao nhất. Tại cuộc họp Ban Chỉ huy Phòng chống bão số 4 của TP Đà Nẵng sáng 26/9, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các địa phương phải rà soát từng hộ dân, khu dân cư để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn tránh bão, đặc biệt là địa bàn huyện Hòa Vang và các địa phương ven biển.

Đến nay, toàn bộ tàu thuyền của TP Đà Nẵng đã vào bờ neo đậu tránh bão số 4. Các địa phương ở TP Đà Nẵng lên phương án sơ tán dân theo từng cấp độ. Theo đó, trường hợp bão cấp 8 đến 11, TP sẽ đưa hơn 35.000 người đi sơ tán; bão cấp 12 đến cấp 13 sẽ có khoảng 67.000 người sơ tán và bão từ cấp 14 đến 17 sẽ sơ tán hơn 100.000 người.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước diễn biến của bão số 4, tỉnh đã lên phương án: Bão mạnh sẽ sơ tán 182.280 người; đối với siêu bão sẽ sơ tán 401.901 người.

Hiện nay, 73 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã tích nước đạt 40 - 50% dung tích hữu ích thiết kế. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão, hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm đếm và kêu gọi tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Các tàu đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về bão số 4 và di chuyển đến vùng biển an toàn.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống bão số 4, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu chính quyền huyện Tuy An hướng dẫn hỗ trợ người nuôi tôm di chuyển toàn bộ số lồng nuôi tôm hùm vào bờ. Khu vực Hòn Yến là vùng biển hở nên nếu có mưa to, sóng lớn sẽ cuốn trôi các lồng bè. Bên cạnh việc di chuyển lồng nuôi, tất cả người làm việc, canh giữ bè tôm phải vào bờ trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Các địa phương như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa có 102.523 ô lồng/2.516 bè nuôi trồng thủy sản với hơn 5.600 người người thường xuyên làm việc và canh giữ. Hiện chính quyền các địa phương đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân di chuyển, chằng chống lồng bè an toàn.

Ngày 26/9, tỉnh Phú Yên đã thực hiện việc cấm các tàu thuyền ra khơi. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương bám sát dự báo diễn biến của bão số 4 để có phương án sơ tán người dân phù hợp.

Đến sáng 26/9, trên 2.630 phương tiện tàu, thuyền tại Khánh Hòa đã vào nơi neo đậu, trú bão.

Đối với khu vực nuôi trồng thủy hải sản trên biển, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã thông báo, hướng dẫn người dân chằng chống bè nuôi, sẵn sàng đưa lao động trên lồng bè vào bờ trú ẩn khi có lệnh.

Tỉnh yêu cầu, các địa phương chủ động bố trí lực lượng chốt chặn, sơ tán người dân tại điểm có nguy cơ sạt lở, khu vực ngầm, cầu, tràn, nơi nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn.

Ngay từ chiều 25 và sáng 26/9, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ bà con chằng chống, kê cao đồ đạc, chuẩn bị lương thực cũng như sẵn sàng chuẩn bị di dời các gia đình ở sát biển đến nơi an toàn...

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu, các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó, trong đó, thực hiện hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), không được chủ quan lơ là với diễn biến của bão.

Trong nhiều giờ qua, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân và lao động trên các lồng, bè chằng chống, neo cột lồng bè lại thật chắc chắn rồi lên bờ tránh trú bão an toàn.

Sáng 26/9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 4.

Toàn tỉnh hiện có 117 lồng bè với 307 lao động. Đến nay, các chủ bè nuôi thủy sản đã được UBND các địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng thông báo về tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 4 để có phương án gia cố, chằng buộc an toàn.

Trên cơ sở rà soát các khu dân cư ven biển, vùng trũng, ngập lụt, tỉnh cũng đã lên phương án di dời, sơ tán 219 hộ với 991 khẩu tại huyện đảo Phú Quý khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ.

Các địa phương trong đất liền ven biển cũng có phương án sơ tán, di dời 4.375 hộ với 13.311 khẩu. Đồng thời, các địa phương sẵn sàng phương tiện, lực lượng để sơ tán khi có lệnh, chuẩn bị tốt theo phương châm "bốn tại chỗ" ở các cấp để ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra.

Tại Kon Tum, UBND tỉnh vừa có Công điện số 04/CĐ-CTUBND về việc tập trung ứng phó với bão số 4 và mưa lớn trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu các huyện, TP theo dõi chặt chẽ để chỉ đạo, triển khai ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ và tình hình cụ thể tại địa phương; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân chủ động phòng tránh.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo dân sinh bị hư hỏng, tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo giao thông; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du hồ chứa thủy điện, hồ thủy lợi.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND dân các huyện, thị xã, TP, chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.  

Các địa phương phải có phương án rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi mưa, bão ảnh hưởng và đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, nước uống.

Hải Phong