“Thế trận lòng dân” là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu, phấn đấu của toàn dân tộc được quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy, tạo cơ sở vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả, thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là xây dựng “thế trận lòng dân”. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài, quan trọng quyết định các giải pháp khác. 

Đối với một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc cùng chung sống, có 2 huyện diện đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm về kinh tế thấp, Yên Bái rất cần những giải pháp căn cơ để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo đảm phát triển theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

“Thế trận” theo nghĩa quân sự là tổ chức và bố trí lực lượng để tiến hành một trận đánh và thực hiện hành động tác chiến trong trận đánh.

“Thế trận” phải phù hợp với mục tiêu của trận đánh, dựa theo sách lược, mưu kế, nghệ thuật tác chiến của trận đánh, bảo đảm sử dụng có hiệu quả tối ưu mọi lực lượng, tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra ở mức tổn thất thấp nhất, hạn chế các mặt yếu của ta.

“Lòng dân” là khái niệm biểu hiện trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng, sự ủng hộ, sự cổ vũ, sự đi theo, cùng hành động của người dân với một giai cấp cầm quyền, lãnh đạo xã hội hay một đảng phái chính trị lãnh đạo, cầm quyền. Đây là yếu tố rất quan trọng có tính quyết định đến sức mạnh, sự hưng thịnh hay suy vong của mỗi giai cấp hay đảng phái chính trị cầm quyền, thậm chí của quốc gia, dân tộc.

Sức mạnh “lòng dân” chính là sức mạnh của toàn dân tộc.

“Lòng dân” yên ổn thì đất nước vững vàng, phát triển. Xây dựng “thế trận lòng dân” là quá trình dựa vào Nhân dân, thông qua sự ủng hộ của Nhân dân, bằng sức mạnh của Nhân dân hình thành tổ chức và lực lượng để thực hiện một mục tiêu nào đó. Xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nghĩa là dựa vào Nhân dân, thông qua sự ủng hộ của Nhân dân, bằng sức mạnh của Nhân dân hình thành tổ chức và lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trong cuộc đấu tranh này, mỗi người dân là một chiến sĩ. Vũ khí của Nhân dân trong cuộc đấu tranh này chính là niềm tin, sự ủng hộ, sự tin tưởng một lòng, một dạ đi theo Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ những thành quả của sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, đó cũng là Nhân dân không tin theo, không nghe theo, không làm theo những quan điểm sai trái, thù địch.

leftcenterrightdel
Thắm tình quân dân. Ảnh: TTXVN  

Cấp ủy, chính quyền các cấp Yên Bái đã tiến hành đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, coi đây là nhiệm vụ chiến lược thường xuyên, lâu dài. Tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo mỗi năm bình quân giảm 4%, huy động nguồn lực nhằm xóa nhà dột nát, ưu đãi đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng; tạo việc làm cho người lao động… Qua đó tạo sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm an sinh xã hội gắn với quản lý xã hội an toàn, lành mạnh; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn với thực hiện kế hoạch xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.  

Tỉnh đã có kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc của Nhân dân năm 2024. Tiếp tục nhân rộng các mô hình "Gia đình hạnh phúc”, "Khu dân cư hạnh phúc”, "Cơ quan, đơn vị hạnh phúc”, "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm không để phát sinh vụ việc phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng “thế trận lòng dân” thời gian qua tại Yên Bái có lúc, có nơi còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập. Sự tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đã dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội, tình trạng phân hóa giàu - nghèo gia tăng, đời sống vật chất của nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với nguyện vọng chính đáng của quần chúng Nhân dân. Tác động của biến đổi khí hậu gây lũ quét, sạt lở đất diễn biến phức tạp (năm 2023 thiên tai gây thiệt hại cho Yên Bái hơn 420 tỷ đồng). Một số ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những bức xúc của Nhân dân… Điều này là nguyên nhân làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.

Để làm tốt công tác trên, mỗi cán bộ, đảng viên trong lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái cần  tiếp tục thấm nhuần, quán triệt quan điểm của Đảng về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, Nhân dân là chủ thể của mọi công việc xây dựng, phát triển đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc. Đó là “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Chính vì Đảng, Nhà nước luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc” nên từ khi Đảng ra đời đến nay, Nhân dân ta luôn một lòng, một dạ đi theo Đảng, ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng. Nhân dân ta tin Đảng, đi theo Đảng cả trong thực hiện sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho việc xây dựng thành công “thế trận lòng dân” vững mạnh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch đạt kết quả, trước hết Đảng, hệ thống chính trị phải thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự vì Nhân dân phục vụ. Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân; tuy nhiên, nhân dân chỉ tin và đi theo Đảng, Nhà nước, khi mà bản thân Đảng, Nhà nước thực sự xứng đáng với sự tin tưởng đó; mục tiêu phục vụ Nhân dân phải được thể hiện, bộc lộ trên thực tế. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, mỗi công chức, viên chức của Nhà nước phải thực sự là những chiến sĩ tiên phong, mẫu mực cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, là tấm gương để Nhân dân noi theo.

Tiếp tục chăm lo đời sống của Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Phải thấm nhuần và thực hiện tốt hơn nữa trên thực tế lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của Nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Theo đó, cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai những chính sách cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, thành phần, tầng lớp; có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp, thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh... Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ có trình độ cao. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan tâm động viên Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu công an nhân dân, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và phẩm chất cách mạng nhằm không ngừng nâng chất lượng mọi mặt của đời sống, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào việc xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và chế độ; tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong xây dựng nông thôn mới (hiện Yên Bái có 106/150 xã, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới), cần chú trọng giải quyết việc tạo sinh kế bền vững cho người dân, không chạy theo thành tích mà lại xuất hiện tình trạng tái nghèo sau khi đạt chuẩn.

Tiếp tục quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số,  vùng có đạo, các khu vực triển khai các dự án lớn, khu công nghiệp có yếu tố người nước ngoài… để sớm phát hiện, ngăn chặn, làm thất bại việc truyền đạo lạ trái phép, việc kích động tập trung động người dẫn đến bạo loạn, việc chia rẽ mối đoàn kết giáo - lương và các dân tộc thiểu số với nhau… góp phần củng cố, giữ vững “thế trận lòng dân” của tỉnh Yên Bái trong tình hình mới.

 

 

Đồng Quang Hưng - Ngọc Diễm