Bão Yagi đã qua hơn một tuần, nhưng hậu quả của nó vẫn chưa dừng lại, và đây là thời điểm mà cả nước cần chung tay để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh sự chỉ đạo và điều hành của các cơ quan chức năng, sự đóng góp từ cộng đồng là vô cùng cần thiết.

Truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam tiếp tục được thể hiện qua những hành động thiết thực như quyên góp, hỗ trợ tài chính và hàng hóa cho người dân vùng lũ. Sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là qua các nền tảng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kịp thời các hoạt động cứu trợ và phục hồi tại vùng bão lũ.

Những ngày qua, chúng ta thấy một nghĩa cử cao đẹp lan rộng khắp nước là cả nước chung tay chia sẻ những mất mát với người dân sau bão lũ. Các cơ quan như Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận cho đến các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành đều có những hành động thiết thực ủng hộ những cư dân và những vùng thiệt hại cho bão lũ. Không dừng ở khối cơ quan nhà nước, các doanh nghiêp tư nhân, tập đoàn cho đến những nhà hảo tâm đều đóng góp một phần vật chất để hỗ trợ đồng bào.

Những nghĩa cử cao đẹp này cho thấy ở Việt Nam ta, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái vẫn luôn là một giá trị trong tất cả mọi người. Điều đó thật cao đẹp, rất Việt Nam và phát huy, bộc lộ trong những lúc thiên tai như vừa rồi. Điều này cũng phản ánh một tinh thần đoàn kết bao đời của Việt Nam ta, từ đó tạo ra sức mạnh để mọi người cùng tiến bước, để không có ai bị bỏ lại phía sau, nhất là trong những hoàn cảnh nghiệt ngã như cơn bão vừa rồi.

Những năm qua, đã có những vụ việc tiêu cực về quyên góp cứu trợ, những dịp như thế này, việc chia sẻ của Chính phủ, cộng đồng và doanh nghiệp với người dân bị thiệt hại là không thể phủ nhận, nhưng cũng đặt ra cho các cơ quan chức năng về sự quản lý hiệu quả, minh bạch để nguồn vật chất có thể chữa lành những cộng đồng bị thiệt hại một cách hiệu quả và thiết thực nhất.

Ngoài những hỗ trợ về mặt vật chất, các doanh nghiệp và người dân chịu thiệt hại cũng đang rất cần đến các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, chẳng hạn như giảm thuế, giãn nợ, hoãn nợ, hoặc các gói tín dụng ưu đãi để khôi phục sản xuất và kinh doanh. Đây là thời điểm mà sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực tự vươn lên của người dân sẽ là yếu tố quyết định trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai lên nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh vật chất, việc hỗ trợ về tâm lý và tinh thần cho người dân vùng lũ cũng cần được quan tâm. Những nỗ lực trong việc hỗ trợ tâm lý, ổn định tinh thần cho những người dân đã trải qua mất mát sẽ giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn và bắt đầu lại cuộc sống. Điều này quan trọng không kém các biện pháp khắc phục vật chất và cơ sở hạ tầng.

Cuối cùng, sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế trong việc ứng phó với thiên tai cần được nâng cao hơn nữa. Liên kết quốc tế không chỉ giúp mang đến những nguồn lực hỗ trợ nhân đạo mà còn cung cấp công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý thiên tai từ các quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những vấn đề trên không chỉ nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hỗ trợ và phục hồi sau thiên tai, mà còn mở ra những câu hỏi quan trọng về cách chuẩn bị và ứng phó với các thiên tai ngày càng phức tạp trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Để đối phó với những thách thức này, Việt Nam cần có những bước đi dài hạn và chiến lược bền vững, đảm bảo an toàn cho cả con người lẫn môi trường trước những thảm họa thiên nhiên tương lai.

Ngô Quốc Đông