Vừa qua, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố tài xế về tội “vô ý làm chết người” và hai giáo viên vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc này liên quan đến sự cố đáng tiếc xảy ra ở một trường mầm Non tại Thái Bình khi một cháu bé bị quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong.

Vào ngày xảy ra sự việc, tài xế chính đang nghỉ phép và người lái thay thế đã không tiến hành kiểm tra xe sau khi đưa đón học sinh. Trong khi đó, giáo viên không thấy học sinh đến lớp nhưng lại không thông báo với phụ huynh. Hôm đó là buổi tổng kết năm học, mọi người có vẻ không chú tâm nhiều vào chi tiết vắng mặt này. Cháu bé này đã bị bỏ quên trên xe suốt 11 tiếng trong điều kiện thời tiết nắng nóng và tử vong.

Kết quả, gia đình cháu bé chìm trong nỗi đau vô hạn, còn các giáo viên và tài xế phải đối mặt với pháp luật.

Sự việc này gợi nhớ đến vụ việc đau lòng tại Hà Nội cách đây 5 năm, khi một bé trai 6 tuổi ở Trường Gateway, Hà Nội cũng tử vong vì sự tắc trách của giáo viên và lái xe.

Mặc dù đã có nhiều biện pháp cải thiện quy trình sau vụ việc đó, nhưng bi kịch tương tự vẫn tiếp diễn, đặt ra câu hỏi lớn về an toàn trong đưa đón học sinh.

Các thông tin nói về sự kiện này như là một hiện tượng bị “bỏ quên”, nhưng thực tế là sự tắc trách bất cẩn của người đưa đón. Quên cũng là tình trạng phổ biến của nhiều người chúng ta trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, có những việc không được phép quên, nhất là liên quan đến sự an toàn học đường. Vậy vấn đề là tại sao người ta có thể quên? Có lẽ nằm ở quy trình kiểm soát, đưa đón đi đến của học sinh đã không được xây dựng khoa học hoặc nếu có cũng chưa được ngấm sâu vào hoạt động của những người thực hiên quy trình. Ví như giao ca, thay người đưa đón thì người bàn giao và người nhận bàn giao phải làm gì? Trước khi xuống xe và đóng cửa có cần kiểm tra điểm danh học sinh không? Các học sinh ngồi cùng nhau tự kiểm soát nhau như thế nào?
Nhìn chung, nếu một quy trình thực hiện đúng thực tiễn việc đưa đón và người thực hiện tuân thủ thì có lẽ sự việc đáng tiếc này đã không từng xảy ra và nay lại lặp lại.

Rõ ràng việc rà soát và xây dựng quy trình đưa đón học sinh chặt chẽ hơn giữa nhà trường và gia đình là cần thiết. Tuy nhiên, quy trình dù hoàn hảo cũng sẽ không hiệu quả nếu thiếu trách nhiệm của những người thực hiện. Lái xe cần kiểm tra kỹ xe trước khi tắt máy và khóa cửa. Nhân viên đưa đón phải đảm bảo số lượng trẻ khi tiếp nhận và bàn giao. Giáo viên cần điểm danh và đối chiếu danh sách trẻ, báo cáo ngay những trường hợp vắng mặt không lý do.

Trẻ em là đối tượng yếu thế, chưa có khả năng tự bảo vệ, vì vậy gia đình và nhà trường cần thường xuyên hướng dẫn trẻ kỹ năng an toàn, nhận biết nguy hiểm và cách kêu cứu. Các phương tiện đưa đón cần trang bị thiết bị giám sát và cảnh báo tự động khi còn người trên xe. Cơ quan chức năng cũng cần ban hành quy định bắt buộc về trang bị an toàn cho phương tiện đưa đón trẻ, đồng thời tăng cường kiểm tra và giám sát dịch vụ này.

Chỉ khi tất cả các bên liên quan đều thực hiện trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc và các biện pháp an toàn được tuân thủ chặt chẽ, những bi kịch như trên mới có thể được ngăn chặn hiệu quả.

Với an toàn trẻ em, quy trình phải đi đôi với trách nhiệm. Nếu quy trình tốt, nhưng chỉ sơ ý, thiếu trách nhiệm, đều có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ngô Quốc Đông