Qua thực tiễn cho thấy, Hà Nội có hàng trăm điểm ngập úng. Bất ngờ hơn, một số thành phố lân cận không có thâm niên ngập lụt thì nay cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ở Hạ Long, Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), rồi đến một số khu vực tại thành phố Hải Phòng, nhiều tuyến phố bị ngập trong nước, nhiều phương tiện giao thông chết máy, nhiều nhà dân bị ảnh hưởng sinh hoạt và tài sản…

Tại sao những đô thị hiện đại như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng lại có nhiều điểm tê liệt chỉ sau mấy giờ mưa to? Rõ ràng, hệ thống giao thông và thoát nước đã không đáp ứng được khi có sự bất thường về thời tiết mưa gió. Các dự án cải tạo đê điều, trạm bơm… luôn được triển khai, vẫn chưa đáp ứng được tiêu úng thoát nước vào mùa mưa. Vẫn thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch giao thông, hệ thống thoát nước và áp lực cư dân đô thị.

Tuy nhiên, nhìn ở một cục diện sâu xa hơn, những đợt ngập lụt đường phố này còn là một lời cảnh báo nghiêm trọng về mức độ biến đổi khí hậu cũng như mất cân bằng sinh thái mà nguyên nhân chính là sự tác động của con người.

Nhiều năm qua, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn bị thu hẹp, nhiều dòng sông bị hút cát đến biến đổi cả dòng chảy, sạt lở bên bờ. Nhiều đô thị mọc lên với bê tông dày đặc mà chưa có những khoảng xanh tương ứng. Núi được đào để lấy đất lấp biển, nhằm gia tăng không gian đô thị. Nhiều ao hồ sông ngòi bị biến mất hoặc thu hẹp giữa lòng đô thị. Tất cả những hành động này đã dẫn đến một kết cục là khi mưa to sẽ không có gì để giữ nước từ các nơi và thượng nguồn. Cuối cùng nước đổ dồn về các khu đô thị, chật chội và hệ thống thoát nước không theo kịp, dẫn đến ngập úng cục bộ.

Bởi vậy mới thấy ngập lụt, lũ quét sau mỗi cơn mưa bão đang là một nguy cơ rất lớn với cư dân sống ở những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng. Điều này không chỉ đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan phòng chống thiên rủi ro phải có chiến lược tổng thể mới mong đạt kết quả bền vững, nhưng đồng thời cũng đặt ra những gánh nặng phát sinh khác về mặt an sinh xã hội, môi trường cần phải giải quyết.

Hiện tượng ngập lụt, sạt lở sau mỗi cơn mưa dài hiện nay phải chăng đang là một lời đáp trả của thiên nhiên với hành động của chúng ta. Điều này đánh động tới ý thức môi sinh và gìn giữ môi trường không phải chỉ riêng của ngành chức năng, mà cần phải tính tới trong mọi hành vi cá nhân cũng như trong các kế hoạch xây dựng phát triển xã hội. Ở đó yếu tố môi trường, sinh thái, chống biến đổi khí hậu nhằm  đảm bảo sự phát triển bền vững không thể bỏ qua. Nếu không tính tới các yếu tố này thì có lẽ ước mơ về đô thị thông minh, chống chọi được ngập lụt vẫn còn xa, vì trong quá trình quy hoạch xây dựng, chúng ta đã xem nhẹ hoặc bỏ qua nguồn gốc của các biến đổi môi trường sinh thái, làm phát sinh các hệ quả tiêu cực.

Ngô Quốc Đông