Kiên cường qua 2 cuộc kháng chiến

Theo UBND Quận 12, TP Hồ Chí Minh, trong thời kỳ kháng chiến, vùng đất Vườn Cau Đỏ (nay thuộc phường Thạnh Xuân, Quận 12) trấn giữ một vị trí trung chuyển không thể thay thế trên hướng Tây Bắc Sài Gòn, là nơi có địa hình thuận lợi về tầm che khuất, giữ được yếu tố bí mật để triển khai đội hình chiến đấu của lực lượng kháng chiến.

Tên gọi Vườn Cau Đỏ xuất phát từ đặc điểm nơi đây có rất nhiều vườn cau, vì là nơi hoạt động của các lực lượng kháng chiến nên thường xuyên bị quân địch bắn phá khiến những thân cau bị ngả màu. Địa danh còn mang ý nghĩa là những hy sinh xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đã ngã xuống, nhuộm thắm mảnh đất này.

Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, vùng đất Vườn Cau Đỏ đã trở thành căn cứ kháng chiến.

Ngày 25/12/1945, tại Vườn Cau Đỏ, đồng chí Phạm Văn Khung - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định đã chủ trì hội nghị cán bộ chủ chốt. Hội nghị đã quyết định chọn 3 xã: An Phú Đông, Thạnh Lộc, Quới Xuân để thành lập căn cứ kháng chiến với tầm vóc một chiến khu vì nơi đây cách trung tâm Sài Gòn không xa, diện tích tuy nhỏ hẹp nhưng rất thuận lợi cho kháng chiến, có thể bám trụ lâu dài.

Vườn Cau Đỏ được chọn là một trong những địa điểm tập trung cán bộ và chiến sĩ cách mạng. Tại đây, ta đã thành lập một “trạm đón tiếp công nhân” của Tổng Công đoàn Nam bộ để đón tiếp công nhân kỹ thuật từ Sài Gòn ra. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ huy chiến khu đã thành lập một xưởng quân khí để sản xuất vũ khí, khí tài trang bị cho các lực lượng cách mạng.

Thực dân Pháp tổ chức nhiều cuộc càn quét dữ dội vào Vườn Cau Đỏ, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Sài Gòn - Gia Định. Tuy nhiên, nhờ ý chí kiên cường và sự bao bọc nghĩa tình của đồng bào, chiến khu vẫn đứng vững, thực dân Pháp phải chịu nhiều tổn thất.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Vườn Cau Đỏ bị quân địch liệt vào danh sách “vùng trắng” được tự do oanh kích. Chúng liên tiếp tổ chức các cuộc hành quân càn quét nhằm tìm diệt cán bộ ta. Trước tình hình này, Quận ủy Gò Môn vẫn nêu cao quyết tâm tiếp tục bám trụ chiến đấu.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng bộ đội về ém quân tại Vườn Cau Đỏ, người dân địa phương đã chở che, cung cấp lương thực và sát cánh cùng bộ đội chiến đấu.

Trước các cuộc càn quét trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, quân và dân ta đóng tại Vườn Cau Đỏ đã anh dũng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ căn cứ kháng chiến. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Vườn Cau Đỏ là nơi giấu quân của các đơn vị như E115, Trung đoàn Gia Định, Bộ đội Gò Môn... chuẩn bị tiến đánh vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khởi sắc nơi chiến khu xưa

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Dương Minh Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân, Quận 12 cho biết: Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ (hoàn thành việc xây dựng năm 2010) là nơi bảo tồn, lưu giữ các tư liệu, hình ảnh, hiện vật nhằm ghi nhận, tưởng nhớ công ơn của quân và dân vùng đất An Phú Đông và Thạnh Lộc (nay là 3 phường: Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông, thuộc Quận 12) trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đây cũng là nơi mà phường Thạnh Xuân thường chọn để thực hiện các buổi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đoàn viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn phường vào các ngày lễ lớn.

Mỗi năm, Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ đón hơn 5.000 lượt khách gồm cán bộ, công chức, đảng viên và học sinh các cấp và du khách đến tham quan, học tập.

Thống kê của UBND phường Thạnh Xuân cho thấy, năm 2023, tổng thu ngân sách của phường đạt 14.750 triệu đồng/12.601 triệu đồng (đạt 117% so với chỉ tiêu giao); trong quý I/2024 thu ngân sách đạt 2.406.199.696 đồng/18.893.796.259 đồng (đạt 12,7% so với chỉ tiêu giao năm 2024).

Trên địa bàn hiện nay có 625 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, đô thị, các loại hình thương mại, dịch vụ từng bước được củng cố và phát triển.

Toàn phường hiện có 276 người thuộc diện chính sách, có công cách mạng, thân nhân thờ cúng liệt sĩ. Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân Dương Minh Nhật cho biết, trong thời gian qua hệ thống chính trị từ phường đến khu phố đã đẩy mạnh công tác chăm lo an sinh, chi trả chế độ chính sách và tổ chức thăm hỏi, động viên thường xuyên, nhất là vào các ngày lễ, tết trong năm.

Phường Thạnh Xuân đạt chuẩn phường văn minh đô thị 2 năm liên tục (2022, 2023); khu phố 4 (nơi Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ  tọa lạc) được công nhận Khu phố văn hóa 7 năm liên tục (từ 2017 - 2023). Tuyến đường TX52 (đi qua Khu tưởng niệm) được công nhận là tuyến đường văn minh - mỹ quan - đô thị năm 2023.

Theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 21/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phường Thạnh Xuân là 1 trong 9 xã, phường thuộc huyện Củ Chi và Quận 12 (TP Hồ Chí Minh) được công nhận xã, phường An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Thu Huyền