Thủa ấy, ở Hà Nội, những thư viện lớn như Thư viện Quốc gia, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện Quân đội… lúc nào cũng đông độc giả. Họ đến đọc, ghi chép, nghiền ngẫm và cả những trao đổi tri thức qua các cuộc tiếp xúc quen nhau tại phòng đọc, hay bên quán cà phê, trà đá vỉa hè bên đường, từ đó nhiều người thành bạn.

Khi ấy, rõ ràng việc đến thư viện độc sách là một hành trình kiếm tìm tri thức rất tao nhã, bởi ở đó thực sự tạo ra cho độc giả không chỉ có cảm giác của phòng đọc mà còn là không gian văn hóa, kết nối bạn bè và trao đổi tri thức.

Nhưng nay, mọi chuyện dường như đã khác xưa. Các thư viện lớn vắng bóng nhiều độc giả. Đôi khi người ta cũng không đến thư viện để đọc sách mà để sao chép, nhờ kiếm tìm chút tài liệu liên quan qua các dịch vụ của thư viên và khi nào tiện sẽ quay lại lấy. Tất nhiên việc đó phải trả phí và trong quy định cho phép.

Các phòng đọc báo tại Viện Thông tin Khoa học xã hội hay Thư viện Quốc gia cũng ít độc giả. Bởi ngày nay chẳng còn ai lên thư viện để đọc báo, người ta đọc qua điện thoại, thành ra phòng đọc bây giờ chỉ còn như kho chứa báo lưu chiểu. Khi độc giả đến với thư viện chỉ để làm dịch vụ phô tô, sao chụp tài liệu thì rõ ràng sự kết nối trực tiếp giữa những độc giả trong không gian thư viện đã suy giảm đi nhiều. Theo đó, các không gian văn hóa, bầu khí, tinh thần độc giả tại thư viện của mấy chục năm trước không còn tồn tại.

Công nghệ thông tin cho ta nhiều tiện ích trong hoạt động đọc và mượn tài liệu tại thư viên. Hầu hết các tài liệu đều được số hóa. Độc giả có thể tra cứu trên máy tính và nhờ mượn về. Một số nguồn tài liệu mở có thể đọc tại nhà mà không cần đến thư viện. Như vậy rõ ràng công nghệ đã trợ giúp độc giả tiết kiệm thời gian và chi phí đọc sách.

Tuy nhiên có một thực tế khác, nó giống như phản ứng phụ của tiện ích công nghệ là người ta đã làm giảm đi các không gian văn hóa đọc. Chẳng hạn nếu lạm dụng các tiến bộ của công nghệ tin học sẽ biến thư viện chỉ còn là một kho chứa sách và các gói dữ liệu khổng lồ chứ không còn là phòng đọc. Bởi người ta tra qua mạng, mượn qua mạng, và có thể đọc ở nơi khác. Hay nếu số hóa toàn bộ dữ liệu thì các triển lãm sách sẽ chỉ còn là những hình ảnh trên màn hình thay vì trưng bày như trước.

Rồi các dịch vụ thư viện nếu qua chú trong tới việc bán tài liệu qua dữ liệu điện tử thì các không gian khác như nhà ăn, phòng trà, hoạt động triển lãm, trưng bày tại thư viện cũng bị thu hẹp bởi vắng bóng độc giả.

Làm gì để thư viện không chỉ là kho chứa sách mà còn là một không gian văn hóa tri thức của con người mà người ta có cảm giác thích thú mỗi khi đến đó đọc hoặc mượn tài liệu? Câu hỏi chẳng phải riêng cho ngành Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mà còn chính từ văn hóa đọc của mỗi độc giả.

Có một thực tế mà công nghệ không thể giải quyết triệt để đó là kiến tạo sự giao lưu, chia sẻ, tương tác trực tiếp giữa các độc giả trong cùng một không gian đọc như các mô hình thư viện truyền thống.

Ngô Quốc Đông