Gần đây, vụ việc một nhóm học sinh của trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) bị kỷ luật vì nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội đã gây nhiều tranh cãi về cách hành xử của giáo viên, của nhà trường đối với học sinh.

Sở Giáo dục Thanh Hóa đã yêu cầu lãnh đạo trường THPT Nguyễn Trãi giải trình, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra việc ban hành quyết định kỷ luật với hình thức xử lý chưa đúng, không hợp tình hợp lý khiến phụ huynh và dư luận phản ứng.

Bỏ qua câu chuyện đúng sai trong cách xử lý kỷ luật học sinh của trường THPT Nguyễn Trãi, không thể phủ nhận một thực tế, có thể nói là một trào lưu trong giới trẻ hiện nay, đó là hiện tượng nói tục chửi bậy tràn lan trên mạng xã hội và cả ở những nơi công cộng.

Một ông bố có con gái đang làm lớp trưởng tại một trường cấp 3 ở Hà Nội cho biết, anh rất sốc khi tình cờ phát hiện cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi  nói tục chửi bậy công khai trên Facebook. Khi đặt câu hỏi con có cảm thấy khổ sở khi phải sống hai mặt, trước mặt thầy cô và bố mẹ thì lễ phép lịch sự nhưng khi ra đường, khi tiếp xúc với bạn bè trên mạng xã hội thì trở thành con người khác, câu trả lời của cô bé là... cảm thấy bình thường!!!

Một cô giáo chủ nhiệm tại một trường cấp 3 ở Hà Nội chỉ biết lắc đầu ngao ngán cho hay, một trong những lý do khiến cô không muốn kết bạn trên Facebook với học sinh chỉ vì cô thấy "học sinh nói tục chửi bậy trên mạng xã hội quá nhiều".

Chia sẻ về vấn đề này, nhà văn Trang Hạ nói: "Trên mạng xã hội và cả ngoài đường phố, việc trẻ con nói bậy đã tạo thành trào lưu. Nếu bạn lên mạng sẽ dễ dàng thấy nhiều người khi đăng status nhận được nghìn like rất dễ với những bài văng tục. Nói tục chửi bậy trở thành một phong cách, tư duy báng bổ cũng là một phong cách và thậm chí, đạp đổ mọi giá trị cũng là phong cách để kiếm like. Với giới trẻ, dường như việc không nói tục chửi bậy làm cho họ lạc lõng trong cộng đồng.

Có một thế giới mà những người ở lứa tuổi 40-50 rất khó tìm tiếng nói chung với lứa tuổi 20 hoặc thấp hơn và thậm chí cả thầy cô của các em, những người ở lứa tuổi 30 cũng đã khó tìm được tiếng nói chung với lứa tuổi vị thành niên".

Vào đầu năm học mới, ở tất cả các cấp, học sinh, gia đình, nhà trường cùng ký cam kết thực hiện nội quy, trong đó có quy định học sinh không được nói tục chửi bậy. 

Đối với giáo viên, còn gì đau xót hơn khi học sinh thoải mái buông những lời lẽ bất kính với chính thầy cô đang dạy dỗ mình, không biết ngượng ngùng với bản thân, không thấy xấu hổ trước bạn bè, không nhận thức được những sai trái mà còn có thái độ thách thức...

Việc ban hành rồi thu hồi quyết định kỷ luật học sinh thể hiện sự bối rối, lúng túng trong định hướng giáo dục của nhà trường, rộng hơn là của ngành giáo dục Việt Nam. 

Hiện tượng nói tục chửi bậy không còn là câu chuyện của riêng ngành giáo dục mà còn là câu chuyện của mỗi gia đình, của cả xã hội. Khi mà gia đình và nhà trường còn né tránh, thiếu quyết liệt, thiếu định hướng trong giáo dục thì khó tránh khỏi sự xuống cấp đạo đức học sinh.

Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng hay một phong trào, hoặc là từ Bộ Giáo dục, hoặc từ chính những người làm cha mẹ, đó là phong trào làm sạch lời ăn tiếng nói của thế hệ trẻ, cần coi đó như một cam kết, để thế hệ trẻ nhận thức được những gì mình phát ngôn chính là một phần giá trị của bản thân!./.

Theo Hồng Minh/VOV.VN