Và, thật kỳ lạ, bước trên những con phố vắng vẻ, những người Hà Nội đã từng qua thời đạn bom, bỗng dưng lại nhớ về 12 ngày đêm lịch sử, cùng chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên thời gian khó. Hình như cứ mỗi lúc gặp biến cố người ta lại có dịp suy ngẫm về những gì mình đã trải qua để có thêm nghị lực vượt qua tai ương trước mắt. 

Ngày ấy, Hà Nội cũng vắng như hôm nay, nhà nhà đi sơ tán chỉ có lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu là ở lại canh giữ Thủ đô. Tuy vậy vẫn có những người bám trụ hoặc đi lại để tiếp tế lương thực thực phẩm. Đơn giản là gạo, dầu hỏa và những nhu yếu phẩm khác vẫn phải về Hà Nội để mua ở các cửa hàng mậu dịch qua tem phiếu.

Buồn cười nhất là sơ tán nhưng cứ thứ 7, chủ nhật, bọn trẻ con chúng tôi lại nhấp nhổm “về nhà” cứ như là bom đạn “không làm việc” vào ngày nghỉ! Vui lắm, nơi sơ tán chỉ cách Hà Nội vài chục cây số cũng phải đi mất nửa ngày, xe cộ thì ít, phải đi bộ ra bến rất xa nhưng hễ thấy cô chú nào đạp xe một mình là nhảy phóc lên miệng xin đi nhờ, không thấy bị từ chối bao giờ.

Hồi đó hình như ai cũng là người quen, trẻ con bé tí cũng không lo bị lạc... Và không ít lần “về chơi Hà Nội” như thế được chứng kiến khói lửa đạn bom. Hình như mãi rồi cũng quen, cứ nghe thấy tiếng loa truyền thanh lanh lảnh: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50 km...” thì mọi người lại chạy ào xuống. Cái tăng sê từ thời Pháp bỗng trở nên hữu dụng và trở thành một xã hội thu nhỏ. Bọn trẻ con thì tranh giành chỗ, người già thì quạt phạch phạch quát tháo lũ trẻ đang chí chóe cấu véo trêu đùa.

Thật lạ là không hề thấy sợ ngay cả khi nghe thấy tiếng máy bay địch đang đến gần. Cái chết đôi khi chỉ trong gang tấc. Máy bay B52 rải thảm ở phố Khâm Thiên, đánh vào Ga Hàng Cỏ, Sứ quán Pháp... tất cả đều cách cái xóm Hạ Hồi thân thương của tôi chỉ một cây số.

Và khi loa phóng thanh cất lên: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý máy bay địch đã đi xa” tất cả chạy ào ra khỏi cái hầm trú ẩn nóng bức ngột ngạt và cái cảm được hít thật mạnh cho đầy lồng ngực cơn gió mát lành của bầu trời trong xanh mới thật sung sướng làm sao!.

Sáng nào cũng vậy, đi bộ thật nhanh ra sạp báo phố Bà Triệu, từ xa đã thấy màu đỏ rực của Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Hà Nội Mới... với những hàng tít lớn về tin thắng trận, về số máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội đêm qua. Ai ai cũng hỷ hả, cũng sôi nổi bàn tán và sẵn sàng cho trận chiến khốc liệt ngày mai. Mới thấy nhạc sỹ Vũ Thanh thật tài hoa khi reo vui: “Tiếng loa truyền về tin thắng trận, giữa đất trời Thủ đô tự hào" trong “Bài ca Hà Nội”! Lúc đó nơi nơi chỉ thấy sự quyết tâm và lòng tự hào của người Hà Nội, trái tim của cả nước....

Những ký ức thời xa vắng cứ ùa về khi Hà Nội hôm nay một lần nữa bước vào “thời chiến”.

Con quái vật Covid-19 đang làm cả thế giới lao đao nhưng Việt Nam vẫn đứng vững. Người Hà Nội vẫn tự tin, bình thản tin tưởng và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhất nhất làm theo những chỉ thị từng giờ từng phút của những người đứng đầu Chính phủ.

Hình ảnh những người lính biên phòng, bập bùng bếp lửa với gói mỳ tôm, dầm mưa trắng đêm kiểm soát biên cương. Những thầy thuốc ngày đêm tận lực ở tuyến đầu chống dịch khiến mọi người vững tin. Và tinh thần đoàn kết dân tộc lại bùng lên như một thứ "vắc xin" mạnh mẽ, như cách nói của Thủ tướng, đương đầu và sẵn sàng đánh bay kẻ thù vô hình quái ác.

Trong gian khó lại thấy ấm áp tình người với bao hình ảnh cảm động. Một bà mẹ tự tay chuẩn bị đồ ăn đến chỗ cách ly không phải mang cho đứa con máu thịt của mình mà cho chính những người thầy thuốc đang ngày đêm tận lực vì người bệnh. Một cụ già tuổi cố lai hy đạp xe lặn lội đến trao những đồng tiền tích cóp ít ỏi của mình để góp sức cùng toàn dân chống dịch. Những doanh nhân lặng lẽ góp nhiều tỷ đồng và cả những nhà thơ “nhân dân”, nghệ sỹ chuyên nghiệp và “nửa mùa” cùng cất lên những lời ca hào sảng làm sống lại một thời "Tiếng hát át tiếng bom"!

Nếu chúng ta đồng lòng, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng! Đó là khẳng định của người “Tư lệnh chiến dịch” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Vâng thưa Anh, chúng ta đã đồng lòng và chúng ta sẽ chiến thắng!

Sớm nay, bước trên những con phố thênh thang của Hà Nội bỗng lại vang lên câu hát “Đây Thủ đô là trái tim kiêu hãnh, đây Sài Gòn, Huế cả đất nước hiên ngang”!

TS Đinh Văn Minh