Phát hiện sai phạm hàng trăm tỷ đồng

Theo Tỉnh ủy Lâm Đồng thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của TTCP, bộ, ngành Trung ương.

Các cuộc thanh tra được triển khai trên nhiều lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, được dư luận xã hội quan tâm như: Quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính - ngân sách, quản lý bảo vệ rừng; thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ của chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các sở, ngành; thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp… 

Qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm, thu hồi 139,595 tỷ đồng và 212,0688 ha đất. Các kết luận thanh tra cơ bản đảm bảo chính xác, khách quan; các sai phạm nêu trong kết luận thanh tra có căn cứ, kiến nghị xử lý đúng bản chất sai phạm; việc triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị sâu sát, đạt kết quả tốt. Do đó, đã kịp thời ngăn ngừa những việc làm trái với các quy định, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. 

Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của TTCP, thanh tra các bộ, ngành Trung ương và Kiểm toán Nhà nước đã được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các hạn chế, vi phạm.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả để có hướng xử lý theo đúng quy định. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm toán tại địa phương. 

Yêu cầu thực hiện nghiêm kết luận của TTCP

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số sở ngành, địa phương ở Lâm Đồng vẫn còn để xảy ra tồn tại, hạn chế trong thực hiện thanh tra và kiến nghị đã được chỉ ra.

Đơn cử, trong công tác thanh tra kinh tế - xã hội, việc xây dựng nội dung, kế hoạch thanh tra của một số địa phương (TP Đà Lạt, huyện Lâm Hà, Lạc Dương) còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, việc ban hành kết luận thanh tra còn kéo dài so với thời gian quy định.

Các vụ phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, nhất là dấu hiệu tội phạm tham nhũng chưa được quan tâm, chủ yếu quan tâm đến xử lý kinh tế, ít quan tâm đến xử lý kỷ luật hành chính. Nhiều vụ việc có cùng tính chất, mức độ sai phạm hoặc có mức độ sai phạm lớn hơn nhưng việc kiến nghị xử lý sai phạm qua thanh tra không đồng nhất.

Các kiến nghị xử lý sai phạm chủ yếu là kiểm điểm rút kinh nghiệm, ít kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm nên không tạo được tính răn đe, cảnh báo chung.

Bên cạnh đó, tại một số ngành, địa phương: Người ra quyết định thanh tra đồng thời là trưởng đoàn thanh tra và cũng là người ban hành kết luận thanh tra nên chưa tạo được sự khách quan trong công tác thanh tra, tạo dư luận “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong hoạt động thanh tra. 

Trong thực hiện kết luận, kiến nghị của TTCP, thanh  tra các bộ, ngành Trung ương và Kiểm toán Nhà nước: Mặc dù, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, địa  phương, đơn vị liên quan trong việc thực hiện xử lý các kiến nghị của TTCP, Thanh tra các bộ, ngành Trung ương và Kiểm toán Nhà nước nhưng nhiều kiến nghị đối với sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, bồi thường lâm sản và tài nguyên môi trường rừng, chi chế độ, chính sách… chưa  thực hiện xong; một số đối tượng thanh tra và các đơn vị có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời… nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp cụ thể, phù hợp để xử lý dứt điểm.  

Bên cạnh đó, hằng năm UBND tỉnh chưa chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra để rà soát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán tại địa phương để đánh giá sâu sát tình hình, kết quả thực hiện, đề ra biện pháp xử lý từng trường hợp cụ thể, nhất là làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không quyết liệt xử lý về kinh tế dẫn đến thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, chưa gắn việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán với việc đánh giá, kiểm điểm công tác hàng năm đối với các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan, nhất là người đứng đầu nên chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm và ý thức thực hiện các kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán.

Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy những mặt tích cực trong công tác thanh tra thời gian qua; không ngừng nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận, kiến nghị qua thanh tra.

Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, nhất là các lĩnh vực có nhiều sai phạm, dư luận xã hội quan tâm nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong thực hiện kết luận, kiến nghị của TTCP, thanh tra bộ, ngành Trung ương và Kiểm toán Nhà nước, Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, chưa được xử lý tại 6 kết luận của TTCP, thanh tra các bộ, ngành Trung ương và 6 thông báo kết luận của Kiểm toán Nhà nước nhưng đến nay chưa thực hiện xong; làm rõ trách nhiệm, xác định nguyên nhân, có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm; trường hợp có khó khăn vì lý do khách quan, thiếu tính khả thi trong thực tế thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Vũ Linh