Theo kết luận của đoàn thanh tra, trong thời kỳ thanh tra (từ 15/6/2021 đến 31/12/2023), việc xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, việc thực hiện các quy định của CITES về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục CITES tại khu vực cửa khẩu… đã không được CITES Việt Nam thực hiện đúng theo quy định.

Không chấp hành quy định của Bộ và của Chính phủ

Nhằm tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg; ngày 25/6/2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 4417/BNN-TTr về việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, qua đó yêu cầu các tổng cục, cục, Thanh tra Bộ triển khai lắp đặt hệ thống camera tại địa điểm có tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp để thường xuyên theo dõi, giám sát, phòng ngừa các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức.

Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra số 470, bộ phận một cửa của CITES Việt Nam tại Hà Nội và Văn phòng Đại diện tại phía Nam không lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc của bộ phận một cửa có kết nối với cơ quan Nhà nước cấp trên và trong toàn hệ thống theo quy định.

Điều 13 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018, quy định rõ về bố trí trụ sở, trang thiết bị của bộ phận một cửa. Thế nhưng, CITES Việt Nam đã không bố trí khu vực đặt các trang thiết bị như: Máy lấy số xếp hàng tự động kết nối tới hệ thống thông tin một cửa điện tử; các màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, thủ tục hành chính, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bố trí khu vực cung cấp dịch vụ theo quy định.

Khoản 7 Điều 9 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, quy định, công khai tại trụ sở và trên trang tin điện tử của bộ phận một cửa họ, tên, chức danh, số điện thoại của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bộ phận một cửa; họ, tên, chức danh, lĩnh vực công tác, số điện thoại của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến làm việc tại bộ phận một cửa, nhưng CITES Việt Nam cũng không thực hiện.

Kết luận thanh tra còn ghi nhận một số trường hợp, người dân, doanh nghiệp vẫn phải bổ sung hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa do không tải được hồ sơ lên cổng thông tin điện tử.

Trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tồn tại, hạn chế này thuộc về Giám đốc CITES Việt Nam qua các thời kỳ: Thời kỳ từ ngày  15/6/2021 đến ngày 18/5/2023 và thời kỳ từ ngày 19/5/2023 đến ngày 31/12/2023; Phó Giám đốc CITES Việt Nam, Trưởng Đại diện CITES phía Nam tại TP Hồ Chí Minh thời kỳ từ ngày 15/6/2021 đến ngày 31/8/2023, kết luận thanh tra nêu rõ.

Thần tốc cấp giấy phép CITES, không đủ hồ sơ vẫn cấp

Khoản 18, Điều 1, Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019, quy định: Trong thời hạn 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu thì CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 22 ngày làm việc.

Thế nhưng, qua kiểm tra, một số bộ hồ sơ (như hồ sơ số 5275-5276 cấp giấy phép CITES xuất khẩu năm 2023), chỉ sau 1 đến 2 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, đã được CITES Việt Nam thần tốc thẩm định và cấp giấy phép. Theo kết luận thanh tra, việc này là chưa phù hợp về mặt thời gian. Trong khi đó, có đến 355 hồ sơ bị xử lý chậm, quá thời hạn theo quy định.

Điểm c khoản 3 Điều 5 Thông tư số 26/2022 ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, quy định: Gỗ, thực vật ngoài gỗ có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc trồng cấy thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc Phụ lục CITES, là những loại lâm sản phải lập bảng kê và có xác nhận của cơ quan kiểm lâm. Qua kiểm tra hồ sơ, đoàn thanh tra phát hiện một số bộ hồ sơ năm 2023 (được cấp phép - PV) có bảng kê lâm sản nhưng không có xác nhận của cơ quan kiểm lâm theo quy định.

Bên cạnh đó, khoản 4, 5 Điều 22 Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định, thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép, chứng chỉ CITES xuất khẩu và tái xuất khẩu là 6 tháng; thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép CITES nhập khẩu là 12 tháng, kể từ ngày được cấp; giấy phép, chứng chỉ CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng/mẫu vật CITES.

Theo kết luận thanh tra, việc cấp đổi giấy phép CITES theo đề nghị gia hạn của tổ chức, cá nhân là không đúng quy định về thủ tục hành chính, nhưng Cơ quan CITES Việt Nam đã cấp đổi một số giấy phép CITES, dù những trường hợp này bị thiếu hồ sơ.

Trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tồn tại này thuộc về Giám đốc Cơ quan CITES Việt Nam qua các thời kỳ từ ngày 15/6/2021 đến ngày 18/5/2023 và thời kỳ từ ngày 19/5/2023 đến ngày 31/12/2023; Phó Giám đốc cơ quan CITES Việt Nam (người giúp việc cho Giám đốc trong việc rà soát, ký cấp đổi giấy phép CITES; ký cấp đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm I và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES) và thực hiện theo nhiệm vụ được giao làm Trưởng Đại diện CITES phía Nam tại TP Hồ Chí Minh thời kỳ từ ngày 15/6/2021 đến ngày 31/8/2023; các công chức được giao tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ và trình ký hồ sơ cấp giấy phép CITES cho tổ chức, cá nhân theo địa bàn được phân công (tại  Văn phòng ở Hà Nội và Văn phòng đại diện tại phía Nam), kết luận thanh tra nêu.

Để khắc phục các tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm nêu trên, Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ trưởng NN&PTNT chỉ đạo Giám đốc CITES Việt Nam thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm vừa nêu; tham mưu để Cục Kiểm lâm tham mưu cho lãnh đạo Bộ kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung nội dung các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập.

Hoàng Nam