Sai sót trong thực hiện các thủ tục 

Giai đoạn 2016-2020, HĐND và UBND tỉnh Hoà Bình đã tích cực, chủ động đề ra các chủ trương, chính sách, chỉ đạo, quản lý, điều hành và thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư công. 

Tuy nhiên, trong việc ban hành và thực hiện các văn bản liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, UBND tỉnh chưa ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp của địa phương trong việc lập, theo dõi, đánh giá thực hiện và giải ngân các dự án (DA) đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định.

Kiểm tra công tác lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư tại 23 DA cho thấy: 4 DA, hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chưa đầy đủ, thiếu sót. 5 văn bản cho ý kiến, quyết định chủ trương đầu tư có điểm chưa phù hợp với quy định. 3 văn bản thẩm định chủ trương đầu tư của hội đồng thẩm định được sử dụng con dấu của cơ quan thường trực hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư chưa phù hợp với quy định. 3 DA chưa xác định rõ thời gian hoàn thành; 1 DA thời gian thực hiện và thời gian bố trí vốn dự kiến chưa thống nhất, chưa phù hợp quy định và 1 DA chưa xác định rõ thời gian thực hiện.  

Một số DA, việc khảo sát địa chất, giám sát khảo sát chưa thực hiện đầy đủ theo quy định; chưa xác định rõ thời gian hoàn thành DA, gồm: DA khẩn cấp xử lý khối sạt trượt các khu vực phía đồi Ông Tượng, TP Hoà Bình; DA khu tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa... 

Số liệu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua và phân bổ cao hơn kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao 3.415.689 triệu đồng. Số kế hoạch vốn trung hạn chưa được giao cho các DA trong kế hoạch hàng năm để thực hiện là 2.079.328 triệu đồng.

Sai sót trong sử dụng vốn đầu tư công 

Với nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh chưa ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành DA, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công đối với 140/480 DA, trong đó có 32 DA là vốn trong nước được bố trí từ ngân sách Trung ương. Tỉnh cũng chưa bố trí đủ vốn đối với 13/24 DA vốn ODA.

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, chưa thực hiện xây dựng báo cáo thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; chưa thực hiện theo quy định về phân ngành, lĩnh vực bố trí vốn; chưa có giải trình, thuyết minh về việc phân bố vốn đầu tư công cho các huyện, thành phố; phần vốn cân đối ngân sách địa phương tại các nghị quyết của HĐND, các quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh chưa chỉ ra số vốn dự kiến bố trí cho dự phòng và chuẩn bị đầu tư; việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, xổ số nhưng chưa thể hiện rõ danh mục những dự án có sử dụng 2 nguồn vốn này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

5/10 huyện (Kim Bôi, Mai Châu, Lạc Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc) không lập và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách địa phương, dẫn đến 100% chương trình, DA đầu tư công sử dụng nguồn ngân sách địa phương trong giai đoạn 2016- 2020 đều không đáp ứng điều kiện để được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định. Kế hoạch đầu tư công của TP Hoà Bình và huyện Tân Lạc cũng có nhiều tồn tại, thiếu sót.

Sai sót trong việc triển khai thực hiện các DA  

Tại DA trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống lũ, sạt lở đất, hạn hán, bảo vệ dân cư huyện Lạc Sơn: Công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định và phê duyệt chưa phù hợp, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung nhiều hạng mục công việc; hồ sơ thẩm định chưa thể hiện đầy đủ thông tin.

Công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại 23 DA có nhiều sai sót, tổng số tiền được phát hiện qua thanh tra liên quan đến sai sót chi phí đầu tư xây dựng là hơn 1,3 tỷ đồng. 

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu DA kè chống sạt lở, chỉnh trị dòng chảy, nạo vét gia cố bờ sông Bùi (đoạn qua thị trấn Lương Sơn) có thời gian thực hiện DA trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu không thống nhất với thời gian thực hiện DA trong quyết định đầu tư/điều chỉnh. 

Nhiều gói thầu việc phê duyệt hồ sơ mời thầu chưa phù hợp quy định: Gói thầu số 01 thuộc DA đường Liên Phú 3 đi thôn Minh Hai, xã An Lạc, huyện Lạc Thủy; gói thầu xây lắp thuộc DA cải tạo, nâng cấp đường liên xã Lạc Lương Lạc Hưng, huyện Yên Thủy; gói thầu số 01 thuộc DA nâng cấp, cải tạo đường Hoàng Văn Thụ… 

Công tác đánh giá hồ sơ dự thầu của tổ chuyên gia tại nhiều gói thầu chưa làm rõ một số nội dung của hồ sơ dự thầu; việc tổng hợp số liệu chưa chính xác; đánh giá hồ sơ dự thầu thiếu chính xác.

Công tác ký kết hợp đồng theo hình thức hợp đồng trọn gói khi chưa xác định chính xác khối lượng; việc thương thảo, ký kết hợp đồng và phụ lục hợp đồng còn tồn tại, sai sót; tiến độ thực hiện hợp đồng xây lắp phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc nghiệm thu, thanh toán, nhật ký thi công, bản vẽ hoàn công, chấm dứt hợp đồng đang thi công cũng còn một số tồn tại, thiếu sót.

Về công tác quản lý Nhà nước về giám sát, đánh giá đầu tư, chưa có tài liệu thể hiện các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện kiểm tra, giám sát đầy đủ theo quy định; kiểm tra xác xuất năm 2020 cho thấy UBND huyện Cao Phong chưa có báo cáo giám sát tổng thể đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện Lương Sơn báo cáo chưa đầy đủ theo mẫu quy định. 

Có 12/23 DA được thanh tra thiếu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư hoặc có nhưng không đầy đủ theo quy định…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị HĐND, UBND tỉnh Hoà Bình chấn chỉnh, khắc phục các sai sót được phát hiện qua thanh tra.

Trần Kiên