Theo kết luận thanh tra, trong thời kỳ thanh tra, Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Nam là đơn vị có năng lực, kinh nghiệm nhiều năm trong công tác quản lý, công tác bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) đường bộ. Công ty đã bố trí nhân lực, thiết bị máy móc và tổ chức thực hiện công tác quản lý, BDTX đối với tuyến ĐT.603B và ĐT.619 cơ bản đảm bảo theo quy định pháp luật và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu và hợp đồng đã ký, cụ thể:

Về công tác theo dõi, quản lý tuyến như lập hồ sơ quản lý đường; tuần đường; đếm xe; quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; trực đảm bảo giao thông; theo dõi, thống kê tai nạn giao thông đường bộ; công tác kiểm tra định kỳ; theo dõi, quản lý các cầu trên tuyến; BDTX nền đường, lề đường, hệ thống an toàn giao thông, rãnh thoát nước. 

Về công tác bảo dưỡng, duy tu đảm bảo giao thông tuyến: Trong thời kỳ thanh tra, các tuyến ĐT.603B và ĐT.619 được đảm bảo thông suốt, các tình huống phát sinh được công ty phát hiện và triển khai xử lý kịp thời; mặt đường, nền đường, công trình thoát nước, hệ thống an toàn giao thông trên tuyến cơ bản đảm bảo tiêu chí chất lượng theo nội dung hợp đồng. 

leftcenterrightdel
Kết luận thanh tra số 875/KL-TTS ngày 25/7/2024 của Thanh tra Sở GTVT. Ảnh: Thanh Nhung 

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý công tác lập, quản lý và cập nhật hồ sơ công trình đường bộ:

Hồ sơ đăng ký đường bộ thiếu các thông tin theo quy định tại điểm a mục 4.2.4.1 Tiêu chuẩn TCCS 07/2013-TCĐBVN: Bình đồ duỗi thẳng tuyến thiếu các thông số yếu tố hình học tuyến (bán kính đường cong bằng; đường cong đứng; độ dốc ngang; siêu cao; độ dốc dọc); thiếu sơ đồ thể hiện tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ (tuyến ĐT.619); không lưu trữ đầy đủ các tài liệu để phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ đối với các công trình đầu tư xây dựng tuyến ĐT.603B và ĐT.619 như quy mô hiện trạng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 12 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT ngày 7/6/2018.

Cụ thể thiếu các hồ sơ sau: Quyết định duyệt dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng, các biên bản nghiệm thu có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng và biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng; biên bản bàn giao công trình; nhiệm vụ khảo sát, báo cáo kết quả khảo sát xây dựng công trình; các kết quả quan trắc, đo đạc, kiểm định chất lượng công trình, thí nghiệm khả năng chịu lực kết cấu công trình (nếu có) trong quá trình thi công, danh mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ; thiết kế bản vẽ thi công đã được chủ đầu tư xác nhận (có danh mục kèm theo) và các thay đổi thiết kế trong quá trình thi công; hồ sơ cọc mốc đã đền bù giải phóng mặt bằng thực tế; hệ thống cọc mốc hành lang an toàn đường bộ, mốc đất của đường bộ.

Theo kết luận, vẫn còn sai sót trong công tác tuần đường, tuần cầu và kiểm tra cầu: Sổ nhật ký tuần đường chưa đảm bảo số trang theo quy định tại Phụ lục 01 Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT ngày 23/01/2019 của Bộ GTVT thì sổ nhật ký tuần đường gồm 100 trang được đánh dấu từ 1 đến 100 và đóng dấu giáp lai, thực tế Sổ nhật ký tuần đường đóng tập theo từng tháng, đánh số trang từ 1 đến 30 và đóng dấu giáp lai; không cập nhật đầy đủ chi tiết tình trạng kỹ thuật của các bộ phận công trình cầu trên tuyến ĐT.619 vào sổ nhật ký tuần đường theo quy định tại điểm d khoản 1 Phần II Phụ lục 01 Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT; không cập đầy đủ việc thi công các công trình trên tuyến vào sổ nhật ký tuần đường theo quy định tại khoản 2 Phần I Phụ lục 01 Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT; không cập chi tiết kết quả kiểm tra về tình trạng cầu trên tuyến ĐT.619 vào sổ nhật ký tuần đường theo quy định tại điểm d khoản 1 Phần II Phụ lục 01 Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT ngày 23/1/2019 của Bộ GTVT.

Kết quả thanh tra cho thấy, công tác quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều tồn tại như chưa phối hợp với địa phương tổ chức ký cam kết không lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ của các hộ dân cư sinh sống hai bên đường là chưa thực hiện theo đúng quy định tại điểm 4.2.2 Tiêu chuẩn TCCS 07/2013-TCĐBVN của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam).

Đối với công tác BDTX mặt đường: Chưa kịp thời sửa chữa có một số vị trí mặt đường bị sụt lún nhẹ từ 01cm-02cm, rạn nứt chân chim, cụ thể: Khu vực Km5+640–Km5+800 (P); Km10+700-Km10+800, tuyến ĐT.603B. 

Bên cạnh đó, trong công tác BDTX hệ thống an toàn giao thông cho thấy, Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Nam vẫn chưa kịp thời sơn vạch sơn dành cho người đi bộ một số vị trí bị mờ tại Km6+315(P), Km6+720 (T) và Km8+300 (T), tuyến ĐT 603B (kế hoạch sửa chữa quý III/2024); chưa kịp thời thay thế 02 biển báo (biển I. 423b) tại Km 4+300, tuyến ĐT 619 để đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại Mục 5.12.1 của Tiêu chuẩn TCCS 07:2013/TCĐBVN của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam).

Từ kết quả thanh tra, đoàn thanh tra đề nghị Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Nam thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật, quy trình chuyên ngành trong công tác quản lý, BDTX đường bộ để áp dụng triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, BDTX đường bộ; nâng cao chất lượng công tác nội nghiệp, đảm bảo hồ sơ, tài liệu được thực hiện và lưu trữ đúng quy định. 

Đồng thời, Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Nam tổ chức khắc phục ngay những nội dung tồn tại đã nêu và đánh giá, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả về Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam chậm nhất trước ngày 26/8/2024 để theo dõi, tổng hợp báo cáo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam.

Thanh Nhung