Để chuyển tải đến bạn đọc kết quả thực hiện Kết luận 3238 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phóng viên Báo Thanh tra đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc HưngPhó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

+ Sau khi TTCP ban hành Kết luận 3238, UBND tỉnh Lào Cai đã có những giải pháp nào để thực hiện các kiến nghị của TTCP?

Ngay sau khi nhận được kết luận của TTCP và Văn bản số 298/VPCP-V.I ngày 10/1/2018 của Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và nội dung Kết luận 3238, cụ thể:

Ngày 12/1/2018, UBND tỉnh Lào Cai có Văn bản số 127/UBND-KT giao cho các ngành tham mưu ý kiến về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005-2015.

Ngày 3/4/2018, UBND tỉnh Lào Cai có Văn bản số 1251/UBND-KT chỉ đạo giao các sở, ngành tham mưu về việc lập kế hoạch khắc phục theo kết luận của TTCP.

Ngày 10/5/2018, UBND tỉnh Lào Cai có Văn bản số 2110/UBND-KT chỉ đạo về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình xử lý sau thanh tra.

Ngày 17/5/2018, TTCP chính thức công bố công khai bản Kết luận 3238. Ngay sau khi kết luận được công bố, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 26/6/2018, Tỉnh ủy Lào Cai có Thông báo số 2248-TB/TU về việc thực hiện kết luận của TTCP.

Ngày 27/6/2018, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND về thực hiện kết luận của TTCP. Trong đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, các ngành tự xây dựng kế hoạch thực hiện. Kế hoạch UBND tỉnh cũng giao rõ tiến độ thực hiện các nội dung; đầu mối đôn đốc, tổng hợp, định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

 


ÔngLê Ngọc Hưng,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
+ Xin ông cho biết kết quả thực hiện các kiến nghị theo Kết luận 3238?

 

Theo tiến độ thực hiện kết luận được đề ra trong Kế hoạch 205/KH-UBND, đến thời điểm này, UBND tỉnh đã có 2 báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra gửi Thủ tướng Chính phủ và TTCP. Về cơ bản các nội dung yêu cầu khắc phục sửa chữa theo kết luận thanh tra đã được tổ chức thực hiện xong. Điển hình như:

Việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 và đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 17/5/2018 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Lào Cai.

Đối với nội dung yêu cầu khảo sát đo đạc, xác định lại diện tích để điều chỉnh quy hoạch Khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vùng cấm hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh Lào Cai đã giao cho Sở Công Thương rà soát, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh. Cuối năm 2016, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3788/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đã thể hiện đầy đủ ranh giới, diện tích, tọa độ ranh giới khu vực quy hoạch và bản đồ khoanh vùng khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được xây dựng, có ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền và UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt, trong đó, đã thể hiện rõ ranh giới khu vực cấm.

Về việc rà soát lại diện tích của 8 dự án, vượt quy hoạch 135,81ha; 5 dự án tận thu vượt quy hoạch vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp, rừng phòng hộ, diện tích vượt quy hoạch 60,96ha; 11 dự án không có trong quy hoạch khoáng sản 65,41ha.

Thực tế khi quy hoạch khoáng sản chỉ xác định diện tích thân quặng, chưa xác định diện tích để xây dựng các công trình phụ trợ (như đường nội bộ, khu văn phòng, bãi đổ thải…), nên khi thực hiện dự án thì diện tích đất cho thuê để thực hiện dự án vượt so với quy hoạch khoáng sản.         

Tuy nhiên hiện nay, đa số các dự án nêu trên đã kết thúc khai thác. Đối với các mỏ đang hoạt động, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo rà soát, cập nhật vào quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất giai đoạn 2016-2020.

Việc cắm mốc, xác định ranh giới, diện tích đối với một số khai trường của Công ty Apatit Việt Nam đã thực hiện xong đối với tất cả các khai trường do Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đang quản lý, khai thác.

Về xử lý hoặc kiến nghị xử lý phù hợp đối với 16 dự án khoáng sản mà chủ đầu tư đã chuyển nhượng dự án, đến nay, các dự án này đã thực hiện xong việc chuyển nhượng và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép chuyển nhượng, đơn vị nhận chuyển nhượng đang tiến hành khai thác theo đúng quy định; các dự án thuộc thẩm quyền cấp giấy phép chuyển nhượng của UBND tỉnh Lào Cai đến nay đã hết hạn, chấm dứt hoạt động.

Về nội dung rà soát điều chỉnh Quy định giá tính thuế tài nguyênQua rà soát cho thấy, giai đoạn từ năm 2005 - 2015, UBND tỉnh ban hành giá tính thuế rất nhiều loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đồng thời hàng năm có điều chỉnh bổ sung kịp thời (tổng số 12 văn bản trong thời gian từ 2005 - 2015)Việc ban hành giá tính thuế tài nguyên theo từng thời điểm như trên là phù hợp quy định hiện hành và phù hợp với thực tế tại thời điểm ban hành.

Việc xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lilama (Cty Lilama) đã được UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư dự án theo quy định của pháp luật. Đến nay đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Về việc giao cho Công an tỉnh kiểm tra làm rõ việc chấp hành pháp luật về thuế, phí và thực hiện quy định về bảo vệ môi trường của Cty Lilama:

Ngày 24/7/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2287/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác do Công an tỉnh chủ trì để kiểm tra, xác minh. Ngày 14/9/2018, Công an tỉnh đã có Báo cáo số 1487/BC-CAT về kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, phí và bảo vệ môi trường của Cty Lilama. Theo đó, Công an tỉnh đã xác định: “Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh Cty Lilama đã kê khai nộp thuế, phí theo đúng quy định; đối với các khoản thuế, phí phải nộp bổ sung, truy thu theo kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra Cty Lilama cũng đã thực hiện nộp đầy đủ... chưa phát hiện việc gian lận thuế, phí của Cty Lilama”.

Đối với việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường của Cty Lilama cũng đã được xác định: “Dự án mới tập trung thực hiện việc san tạo mặt bằng theo hồ sơ thiết kế dự án nhà hàng, khách sạn... các tác động của giai đoạn này phát sinh chủ yếu là bụi trong quá trình bốc xúc, vận chuyển, đổ thải. Tuy nhiên, vị trí mặt bằng nằm khuất nên không gây tác động lớn đến môi trường xung quanh; đối với đất đá thải được vận chuyển đổ tại bãi thải khai trường 17, vì vậy về lâu dài cũng không tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường. Về cơ bản các tác động trong quá trình san tạo mặt bằng dự án chủ yếu do bụi đến thời điểm hiện tại đã kết thúc”.

+ Những nội dung nào đang thực hiện, thưa ông?

Đến thời điểm này chỉ còn có 3 nội dung đang được tiến hành thực hiện như: Rà soát đôn đốc các doanh nghiệp nộp các khoản thuế, phí vào ngân sách; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân theo kết luận của TTCP. Cụ thể:

Về xử lý các khoản thu thuế, phí và các khoản thu khác nộp ngân sách Nhà nước: Đến thời điểm này, các ngành liên quan đã thực hiện xong việc rà soát, xác định cụ thể các khoản phải thu và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện.

Theo đó, đối với khoản tiền 82,9 tỷ đồng phải xử lý theo Kết luận 3238, hiện còn 23,3 tỷ đồng khoản thu đóng góp để đảm bảo hạ tầng của Công ty Đức Long; 1,9 tỷ đồng khoản phí tài nguyên môi trường của Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản đã được Cục Thuế đôn đốc nộp.

Đối với các khoản đóng góp của Công ty Lilama, căn cứ kết luận của TTCP, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan rà soát và xác định lại và báo cáo cụ thể tại Văn bản số 3583/UBND-KT ngày 6/8/2018 gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, TTCP. Theo đó, sau khi xác định lại, số tiền thu đóng góp đảm bảo hạ tầng giao thông của Công ty Lilama phải nộp là 8.870.965.830 đồng. Công ty Lilama đã nộp 2.220.000.000 đồng, số còn phải nộp là 6.650.000.000 đồng.

Về kiểm điểm trách nhiệm: UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các nội dung tồn tại, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra. Đặc biệt, đến nay đã có kết luận của cơ quan Công an như đã nêu ở trên, việc kiểm điểm sẽ được hoàn tất trong tháng 10/2018 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và TTCP.

Như vậy, đến thời điểm báo cáo (31/8/2018) cơ bản các nội dung phải khắc phục sửa chữa trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoáng sản đã thực hiện xong, những nội dung còn lại, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai khẩn trương và hoàn thành trong tháng 10/2018.

+ Trong việc thực hiện kết luận thanh tra có gì khó khăn, vướng mắc, thưa ông?

- Về cơ bản, việc thực hiện khắc phục các tồn tại, khuyết điểm nêu trong kết luận thanh tra được tổ chức triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn có một vài nội dung kết luận thanh tra, trong quá trình triển khai thực hiện thấy có khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Đối với việc điều chỉnh các giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa đúng với quy định hiện hành; việc ban hành hệ số quy đổi; về ban hành giá tính thuế tài nguyên.

Ngoài các nội dung nêu trên, còn một số nội dung tồn tại khác nêu trong kết luận thanh tra của TTCP như: Thời hạn giao đất vượt thời hạn cấp giấy phép khai thác, vượt diện tích quy hoạch... Đến nay, hầu hết các mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác, đưa về trạng thái an toàn và giao lại cho chính quyền địa phương quản lý.

UBND tỉnh Lào Cai trân trọng đề nghị Chính phủ, TTCP, các bộ, ngành liên quan xem xét, có giải pháp tháo gỡ các các khó khăn, vướng mắc trên, khi UBND tỉnh triển khai thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

+ Qua Kết luận 3238 của TTCP, UBND tỉnh Lào Cai đã rút ra được bài học kinh nghiệm nào, thưa ông?

Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản là một nội dung có phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều hệ thống văn bản điều chỉnh. Kết quả thanh tra đã giúp địa phương thấy được những tồn tại, khuyết điểm, từ đó tổ chức khắc phục để làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này trong thời gian tới.

Việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra cần được chỉ đạo triển khai trên tinh thần khẩn trương, kịp thời, nghiêm túc với quan điểm cầu thị, sai đến đâu, sửa đến đó, đồng thời trong quá trình thực hiện, những nội dung nào tuy chưa đảm bảo quy định, nhưng phù hợp với thực tế khách quan thì địa phương cũng cần thẳng thắn đề nghị TTCP xem xét.

+ Xin trân trọng cám ơn ông!

Trần Quý (Thực hiện)