Việc chấp hành pháp luật về quản lý, SDĐ

UBND huyện Lý Sơn thực hiện công tác lập bản đồ Quy hoạch Sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2020 để xảy ra sai sót: Có 30 thửa đất theo bản đồ hiện trạng lập năm 2013 thể hiện là đất ở nông thôn, nhưng trong bản đồ quy hoạch SDĐ lập năm 2014 thể hiện là đất trồng cây hằng năm khác hoặc đất trồng cây lâu năm.

Việc lập kế hoạch SDĐ năm 2015 và năm 2016 không phù hợp với thực tế dẫn đến kết quả thực hiện đạt thấp (thu hồi đất đạt 33,5%, chuyển mục đích SDĐ đạt 49,8%); có 11/14 dự án đầu tư kinh doanh, dịch vụ với diện tích 67.729,7m2 không phù hợp với vùng quy hoạch SDĐ là trái với quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013.

UBND huyện Lý Sơn thực hiện chuyển mục đích SDĐ cho hộ gia đình, cá nhân để xảy ra 33/132 trường hợp, diện tích 3.051,5m2 không phù hợp với vùng quy hoạch SDĐ là không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu UBND tỉnh cho 7 tổ chức thuê để đầu tư dự án, trong đó đối với dự án trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Bê tông An Hải cho thuê đất diện tích 3.000m2 thời hạn 5 năm không phù hợp với vùng quy hoạch SDĐ (đất ở nông thôn); dự án xây dựng Trung tâm Viễn thông Viettel Lý Sơn thuê diện tích 540m2, tính đến tháng 10/2016 đã quá 12 tháng chưa đưa đất vào sử dụng nhưng Sở TN&MT, UBND huyện chưa báo cáo, kiến nghị xem xét xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

UBND huyện Lý Sơn cho 4 cá nhân thuê đất và gia hạn thời gian thuê đất cho 8 cá nhân, với diện tích theo hợp đồng 18.323,4m2; thống nhất chủ trương cho 3 cá nhân thuê đất để thực hiện dự án diện tích 1.707m2 và cho phép 1 tổ chức SDĐ khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

UBND huyện có Công văn số 1403/UBND ngày 16/9/2015 cho phép UBND các xã: An Hải và An Vĩnh thực hiện cho 22 hộ dân thuê 22 thửa đất với diện tích 7.154,7m2 trong thời hạn 1 năm để làm nơi kinh doanh mua bán thu số tiền 55.648.000 đồng trên phần đất đã thu hồi để thực hiện các dự án đường giao thông là trái thẩm quyền theo quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013 .

UBND huyện thiếu kiểm tra nên để UBND xã An Bình thực hiện phân 14 lô cắm mốc trên diện tích 975m2 đất tại khu vực bãi Hang Sau để cho 14 hộ dân thuê trong thời hạn 1 năm làm lều quán kinh doanh để thu số tiền 11,8 triệu đồng.

Tương tự, từ năm 2013 đến nay, UBND xã An Vĩnh đã thực hiện cho các hộ dân thuê 171 thửa đất với diện tích 3,97 ha/4,78 ha đất đồi núi chưa sử dụng để trồng cây, sản xuất nông nghiệp thu số tiền 123.919.000 đồng là trái thẩm quyền theo quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013.

UBND huyện thiếu chỉ đạo, kiểm tra quản lý đất công ích nên để UBND xã An Hải cho thuê 77/139 thửa diện tích 27.075,8m2 đất không thông qua hình thức đấu giá, không có hợp đồng, diện tích cho thuê của 62 thửa đất nhỏ hơn diện tích 7.069,5m2; cho mượn 34 thửa đất diện tích 7.521,7m2, có 204 thửa đất diện tích 54.661,2m2 không theo dõi và quản lý cụ thể nên không biết được hiện trạng SDĐ, có 56 hợp đồng thuê đất nhưng không biết vị trí đất trên thực tế; có 83 thửa đất diện tích 28.558,7m2 chưa xác định được ai đang sử dụng.

UBND xã An Vĩnh cho thuê 4 thửa với diện tích 2.152,5m2 không thông qua đấu giá; UBND xã An Bình cho mượn 33 thửa, diện tích 9.642,5m2 là không đúng quy định của khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Công tác quản lý đất đai của UBND huyện và UBND các xã còn buông lỏng. Qua thanh tra phát hiện có 13 hộ dân xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp với tổng diện tích 1.432,2m2 đất, nhưng UBND các xã không có biện pháp xử lý ngay tại thời điểm vi phạm. Đến nay, đã được UBND huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với 6/13 trường hợp nhưng có 4/6 trường hợp (ông Nguyễn Tấn Vinh, ông Lê Văn Khởi, ông Trần Hữu Nghĩa, ông Lê Có) không phù hợp với vùng quy hoạch SDĐ được duyệt.

Trong 3 năm (2013 - 2015), UBND huyện Lý Sơn có thu hồi đất của 20 dự án nhưng không ban hành các quyết định bồi thường hỗ trợ cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường; thời gian niêm yết công khai các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại trụ sở UBND các xã chưa đủ 20 ngày theo quy định.

Việc chấp hành pháp luật về quản lý TTXD

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc quản lý xây dựng trên địa bàn huyện còn buông lỏng. UBND huyện Lý Sơn không ban hành quy định cụ thể các điểm dân cư thuộc địa bàn (ngoài quy hoạch trung tâm huyện 60 ha đã được phê duyệt năm 2007) để quản lý việc cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn theo quy định. Chưa phối họp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công bố công khai, cắm mốc giới và chưa lập đầy đủ thủ tục pháp lý về đất đai để phục vụ cho công tác quản lý 19 khu di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Lý Sơn đã được công nhận.

Từ năm 2013 - 10/2016, Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện chỉ tiếp nhận, giải quyết và trình UBND huyện cấp giấy phép xây dựng của 16 trường hợp. Tuy nhiên, 16/16 trường hợp thực hiện không đảm bảo đúng về trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Đặc biệt, việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình dịch vụ khách sạn Hải Âu đã được xây dựng trước đây để sửa chữa, cải tạo nay không phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt (đất quy hoạch cây xanh cách ly lô X3) là chưa đúng quy định theo Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014.

Kết quả kiểm tra phát hiện có 40 trường hợp (gồm cả 13 trường hợp Sở Xây dựng đã kiểm tra) xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trên địa bàn huyện thuộc đối tượng phải cấp phép xây dựng nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Qua kiểm tra cụ thể 13 trường hợp tại xã An Vĩnh và xã An Hải phát hiện có vi phạm về xây dựng công trình sai mục đích SDĐ, xây dựng công trình sai quy hoạch xây dựng, xây dựng vi phạm chỉ giới đường đỏ, chiều cao tầng, cốt nền... nhưng không bị lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực hoạt động xây dựng trên địa bàn huyện Lý Sơn của UBND huyện Lý Sơn và Sở Xây dựng chưa thực hiện đúng quy định.

Việc chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư công

Kết quả thanh tra 23/56 công trình trên hồ sơ (đoàn thanh tra không kiểm tra thực tế hiện trường), cho thấy: Có 23/23 công trình có sai sót về thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng. Có sai phạm trong việc lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán xây dựng công trình không chính xác dẫn đến làm tăng tổng giá trị dự toán công trình 1.241.060.000 đồng.

Công tác đấu thầu, chỉ định thầu đều có sai sót dẫn đến việc xác định giá trúng thầu tăng không họp lý số tiền 1,2 tỷ đồng.

Công tác nghiệm thu, thanh toán và quyết toán công trình tăng với tổng giá trị của 21/23 công trình là 1.329.904.000 đồng.

Riêng đối với công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện, đoàn thanh tra cùng các đơn vị có liên quan xác định giá trị khối lượng phải giảm trừ quyết toán là 1.446.461.000 đồng.

Kiến nghị xử lý hàng loạt cán bộ

Qua thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo xử lý, khắc phục nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, TTXD, đầu tư công…

Đặc biệt, ông Trần Ngọc Căng đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành theo quy trình kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Sơn (trong thời gian từ năm 2013 - 2016) đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo Kết luận số 264-KL/TU ngày 5/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gồm: Ông Nguyễn Thanh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (từ tháng 12/2015 đến tháng 10/2016); ông Trần Ngọc Nguyên, nguyên Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thời gian từ năm 2013 - 2015 (nay là Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy); bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện được phân công phụ trách lĩnh vực (thời gian từ năm 2013 đến tháng 10/2016); ông Lê Văn Ninh, nguyên Chánh Vãn phòng Huyện ủy Lý Sơn nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn có khuyết điểm, sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Sơn tiến hành quy trình kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Sơn quản lý đối với các cá nhân là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có sai phạm.

Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có sai phạm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Yêu cầu Giám đốc các Sở: TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước của ngành mình. Riêng, Giám đốc Sở Xây dựng cần kiểm điểm đối với Chánh Thanh tra Sở trong việc không hoàn thành hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo đúng Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp có vi phạm đã được lập biên bản vi phạm theo thẩm quyền.

Hàn Ngọc