Tham mưu, giám sát nhiều lĩnh vực

Thời gian qua, lực lượng thanh tra nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò giám sát trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ở cơ sở; giám sát các vụ khiếu nại, tố cáo cũng như thực hiện quy chế dân chủ…

Từ đầu năm 2022 đến nay, các ban thanh tra nhân dân trên địa bàn TP đã tổ chức 3.026 cuộc giám sát, phát hiện 401 vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 391 vụ việc, được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 371 vụ, đạt 95,14%.

Qua giám sát, đã kiến nghị chính quyền thu hồi 2.205,7m2 đất. Bên cạnh đó, ban thanh tra nhân dân cũng phối hợp với các cấp chính quyền tham gia giám sát 2.164 cuộc về quản lý trật tự xây dựng, 664 cuộc về quản lý đất đai, 854 cuộc về thực hiện dân chủ ở cơ sở và 264 cuộc các lĩnh vực khác.

Theo đánh giá, dù số tiền phát hiện được không lớn nhưng đã khẳng định niềm tin, sự trân trọng của nhân dân vào lực lượng thanh tra nhân dân ở cơ sở…

Nổi bật trong số đó là hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Vừa qua đã hoàn thành việc giám sát công trình cải tạo rãnh thoát nước, mở rộng đường với chiều dài gần 1.000m, không để xảy ra sai sót trong quá trình thi công.

Ông Ngô Thế Tân - Trưởng ban Thanh tra nhân dân thị trấn Xuân Mai chia sẻ: Trong những ngày giám sát, các thành viên luôn túc trực tại công trình, không quản giờ giấc, nắng mưa.

Để công trình được thi công đúng kế hoạch, thành công lớn nhất của Ban Thanh tra nhân dân thị trấn Xuân Mai là đã thuyết phục người dân hai bên đường đồng thuận lùi tường vào khoảng 1m.

Điển hình, gia đình bà Ngô Thị Vấn vừa làm cổng trị giá gần 100 triệu đồng đã ủng hộ 25m2 đất và đập cổng lùi vào 1m, nhiều hộ hiến 30-40m2 đất để tạo lợi ích cộng đồng.

Không chỉ tham gia giám sát công trình, lực lượng thanh tra nhân dân còn có nhiều giải pháp gỡ khó trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ở cơ sở.

Tại quận Đống Đa, để tháo gỡ khó khăn trong việc thu thuế ngoài quốc doanh trên địa bàn phường Trung Phụng, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Phùng Huy Đan đã tham mưu với lãnh đạo phường thu thuế của các chủ thầu xây dựng đang thi công công trình và giám sát quá trình thực hiện.

Ông Phùng Huy Đan chia sẻ, với cách làm này, hàng năm thu ngân sách của phường Trung Phụng tăng từ 200 đến 300 triệu đồng.

Vẫn còn những khó khăn

Vai trò của ban thanh tra nhân dân cũng được khẳng định trong hoạt động của các liên đoàn lao động. Tại Liên đoàn Lao động quận Long Biên - nơi có 330 công đoàn cơ sở, trong đó có tới 109 ban thanh tra nhân dân thuộc các đơn vị thuộc khối hành chính, sự nghiệp, trường học công lập.

Những năm qua, hoạt động của các ban thanh tra nhân dân đã phát huy quyền giám sát của công nhân, viên chức, lao động đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là trong giám sát việc thực hiện nghị quyết hội nghị “cán bộ công chức, viên chức”, hội nghị “người lao động”, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công nhân viên chức lao động…

Rõ ràng hoạt động của ban thanh tra nhân dân thời gian qua đã phát huy vai trò ở cơ sở, tuy nhiên, hiện nay công tác thanh tra nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn một số xã, phường, thị trấn, cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu quan tâm; việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của ban thanh tra nhân dân còn chậm hoặc chưa triệt để.

Công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chính quyền cơ sở và các tổ chức thành viên có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Một số ban thanh tra nhân dân còn thiếu chủ động trong hoạt động; các thành viên phần lớn đều kiêm nhiệm công tác ở các thôn, tổ dân phố, hoạt động chủ yếu bằng tinh thần, không có phụ cấp…

Để giải quyết những khó khăn trên, Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) Hà Văn Dân kiến nghị, Nhà nước nghiên cứu có phụ cấp cho trưởng ban và các thành viên ban thanh tra nhân dân. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP hàng năm nên mở lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ này ở cơ sở.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, để ban thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, thời gian tới, từng địa phương, cơ sở chủ động xây dựng chương trình hoạt động, lựa chọn và cụ thể hóa bằng những nội dung thiết thực, hiệu quả, gắn với trách nhiệm của từng thành viên.

Tập trung tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát các công trình, dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; kịp thời nắm bắt tình hình và phản ánh, kiến nghị của nhân dân đối với các cơ quan, cấp có thẩm quyền...

Thanh tra nhân dân được quy định tại Khoản 8, Điều 3 của Luật Thanh tra năm 2010.

Trong lần xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi lần này, Chính phủ cũng đã đồng ý không quy định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra sửa đổi để điều chỉnh trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Bộ Nội vụ soạn thảo.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị quy định việc thành lập ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở nhằm bảo đảm sự bình đẳng và có cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập.

Qua các ý kiến đóng góp về ban thanh tra nhân dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là một thiết chế rất quan trọng để phát huy dân chủ cơ sở; qua đó nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát.

Hải Hà