Sáng ngày 7/9, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 3 (tháng 5/2022) và dự kiến thông qua tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là ban thanh tra nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo luật mở rộng việc thành lập ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (không chỉ giới hạn ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay).

Điều này nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát. 

“Với vai trò, trách nhiệm của mình, ban thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền”, ông Tùng nói.

Đề nghị bỏ lập ban thanh tra ở cơ quan Nhà nước vì “không thực chất”

Nêu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) đồng ý thành lập ban thanh tra nhân dân ở cơ sở xã, phường thị trấn, nhưng bà đề nghị không nên quy định lập ban này ở cơ quan, đơn vị Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Nữ đại biểu nêu nhiều lý do cho đề xuất của mình. Theo bà, nếu quy định thì không thực chất và khó làm vì cán bộ, công chức, viên chức tham gia ban thanh tra nhân dân là những người đang thi hành nhiệm vụ tại đơn vị và thực hiện nhiệm vụ do thủ trưởng cơ quan giao, chịu sự quản lý của thủ trưởng cơ quan nên sinh mệnh chính trị của họ đang nằm trong tay của thủ trưởng cơ quan.

“Khi được tham gia trong ban thanh tra nhân dân này thì cán bộ, công chức, viên chức không giám sát được, có giám sát được, có phát hiện thì cũng không dám nói”, bà Luyến nói.

Hơn nữa, theo bà, trước đây mới chỉ nhiệm vụ giám sát thôi đã không thực hiện được, nếu thêm cả nhiệm vụ kiểm tra nữa thì ban thanh tra ở cơ quan, đơn vị Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập “càng không làm được”. 

“Thực tế các vụ án tham ô, tham nhũng, những hành vi chuyên quyền, lợi dụng… không phải do ban thanh tra ở đơn vị phát hiện và cảnh báo, mà phát hiện ra những vụ việc này là ở các quy định khác”, nữ đại biểu đoàn Điện Biên nói.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: P.Thắng

Nêu thực tế ở Điện Biên, bà Luyến cho hay, có những đơn vị không thành lập hoặc thành lập ra ban này chỉ để cho đủ theo quy định của pháp luật và để đối phó với kế hoạch kiểm tra của công đoàn cơ sở cấp trên, các cơ quan chức năng.

“Thực tế là thành lập cho có chứ không làm gì và cũng không làm được như đã nói ở trên”, bà Luyến nói, cử tri Điện Biên đề nghị không thành lập ban thanh tra ở cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu đề nghị Ủy ban Pháp luật có thể tiếp tục khảo sát ở một số địa phương về việc cần thiết có thành lập bBan thanh tra nhân dân ở các đơn vị này hay không, đánh giá kết quả việc thực hiện nhiệm vụ của ban thanh tra này ở các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các loại hình khác. 

“Có kết quả để có sự thuyết phục với đại biểu Quốc hội và để chứng minh là trên thực tế chúng ta thành lập là đúng”, bà Lò Thị Luyến nói thêm.

Quy định rõ tiêu chuẩn để tránh đưa họ hàng vào Ban thanh tra ở xã, phường…

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) thấy, bản chất của ban thanh tra nhân dân là một thiết chế tự quản của nhân dân để thực hiện công việc rất lớn mà luật này sẽ quy định, đó là thực hiện quyền kiểm tra và giám sát của người dân. 

Theo đại biểu, toàn bộ nội dung của dự thảo luật này, ngoài từ ban thanh tra nhân dân hoặc nói đến thanh tra nhân dân thì bản chất đề cập đến “công tác kiểm tra nhân dân và giám sát nhân dân”.

Ông Thắng đề nghị thay đổi tên gọi thành ban kiểm tra, giám sát nhân dân để tránh nhầm lẫn và phù hợp. 

“Dài thêm 2 từ, nhưng phù hợp, đúng nội hàm và đặt trong hoàn cảnh của luật này thì hoàn toàn lợi. Tên gọi này cũng rất thân thương, gần gũi”, đại biểu đoàn Quảng Trị nói.

leftcenterrightdel
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Đồng ý với ý kiến của đại biểu Thắng, ông Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) xin vẫn được sử dụng tên là ban thanh tra nhân dân như dự thảo để góp ý.

Theo đại biểu, ban thanh tra nhân dân nên có, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn… nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động sao cho thực chất và hiệu quả. 

Ông cho hay, thực tế nhiều ban thanh tra bầu ra nhưng hoạt động không chất lượng, không hiệu quả và “nói thật là không biết hoạt động gì”. Từ đó, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tiêu chuẩn thành viên ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn cần quy định như thế nào để tránh “bè phái”, “cánh hẩu”, đặc biệt là họ hàng.

“Ở các địa phương đây là vấn đề rất nặng nề, rất khó khăn, cần có quy định như thế nào đó để tránh việc đưa họ hàng vào quá nhiều trong ban thanh tra này”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.

Hương Giang