Sự cần thiết ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BCA

Thông tư số 02/2015/TT-BCA tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng thanh tra hành chính CAND thực hiện theo thẩm quyền và tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo nguyên tắc, tuân thủ quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính việc thực hiện chính sách, pháp luật, nghiệp vụ trên các mặt công tác đối với công an các đơn vị, địa phương; công tác thanh tra hành chính hằng năm đều đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Qua 7 năm triển khai, lực lượng thanh tra CAND đã tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng hằng nằm trên nhiều lĩnh vực, từ đó xây dựng báo cáo và tổ chức hội thảo tổng kết chuyên đề diện rộng, tham mưu lãnh đạo bộ đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả triển khai thực hiện các mặt công tác của công an các đơn vị, địa phương, làm rõ những ưu, khuyết điểm, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để đề ra các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời lực lượng thanh tra CAND cũng đã triển khai nhiều cuộc thanh tra hành chính với nhiều chuyên đề, địa bàn, lĩnh vực bao trùm hầu hết các mặt công tác khác của lực lượng công an như xây dựng lực lượng, hậu cần kỹ thuật, công tác chuyên môn nghiệp vụ… Qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời nhiều hạn chế, thiếu sót, cũng như tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của công an các đơn vị, địa phương trong thực tế công tác.

Ngày 20/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV đã thông qua Luật CAND, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 (thay thế Luật CAND năm 2014); ngày 6/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo đó, tổ chức bộ máy của Bộ Công an được sắp xếp theo hướng tinh gọn từ bộ đến công an các đơn vị, địa phương.

Ngày 24/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 quy định về tổ chức thanh tra CAND, để hoàn thiện tổ chức bộ máy thanh tra CAND, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tinh gọn bộ máy của lực lượng CAND, trong đó có tổ chức lực lượng thanh tra CAND.

Triển khai thực hiện Luật CAND năm 2018 và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, Nghị định số 25/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ bản bộ máy tổ chức của Bộ Công an nói chung và hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong lực lượng CAND nói riêng trên thực tế đã thay đổi căn bản.

Trong đó, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh đã được sáp nhập về công an cấp tỉnh; việc xóa bỏ cấp tổng cục dẫn đến một số cơ quan thanh tra của lực lượng CAND được sáp nhập, giải thể, như thanh tra tổng cục, thanh tra bộ tư lệnh, thanh tra cảnh sát PCCC công an cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ đến nay công an cấp huyện không còn chức năng thanh tra hành chính.

Mặt khác, Thông tư số 02/2015/TT-BCA cũng cho thấy còn có nhiều vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, như chưa quy định cụ thể giải thích từ ngữ để thống nhất cách hiểu, chưa quy định về nguyên tắc hoạt động đoàn thanh tra, hình thức thanh tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm quyền ra quyết định thanh tra dẫn đến công an các đơn vị, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Do đó, việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 02/2015/TT-BCA nhằm phù hợp với các quy định của pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn công tác thanh tra hiện nay và trong thời gian tới.

Ngày 1/10/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Tại khoản 3 Điều 52 quy định: “Trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và căn cứ thông tư này quy định quy trình và các biểu mẫu sử dụng khi tiến hành thanh tra phù hợp với tính chất, đặc điểm của hoạt động thanh tra trong ngành, lĩnh vực do mình quản lý”.

Do vậy, việc xây dựng và ban hành thông tư thay thế Thông tư số 02/2015/TT-BCA là hết sức cần thiết để phù hợp với cơ cấu tổ chức Bộ Công an, hoàn thiện hệ thống pháp lý về công tác thanh tra hành chính để công tác thanh tra hành chính đạt chất lượng, hiệu quả tốt hơn.

Những điểm mới

Thông tư số 18/2022/TT-BCA có sự kế thừa các nội dung của Thông tư số 02/2015/TT-BCA và được sửa đổi, bổ sung với một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Về tên gọi, sửa thành "Thông tư Quy định quy trình thanh tra hành chính trong lực lượng CAND” để đảm bảo bao hàm các nội dung của thông tư.

Bổ sung Điều 4 quy định về nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, cụ thể: Tuân thủ các quy định tại thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Hoạt động thanh tra thực hiện theo chế độ thủ trưởng. Thành viên đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của trưởng đoàn thanh tra; thủ trưởng cơ quan chủ trì cuộc thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định của người ra quyết định thanh tra.

Bổ sung Điều 5 quy định về hình thức thanh tra, cụ thể: Thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt; thanh tra đột xuất. Thanh tra đột xuất được tiến hành trong các trường hợp: Khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; các lĩnh vực, vụ việc do người có thẩm quyền giao.

Bổ sung Điều 6 quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra, cụ thể: Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thanh tra đối với những lĩnh vực, vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều công an đơn vị, địa phương; những lĩnh vực, vụ việc đặc biệt phức tạp liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó trách nhiệm chủ yếu của Bộ Công an; thanh tra lại vụ việc đã được Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, giám đốc công an cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chánh Thanh tra Bộ ra quyết định thanh tra đối vói các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt; thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc các lĩnh vực, vụ việc do Bộ trưởng Bộ Công an giao; thanh tra lại vụ việc đã được chánh thanh tra công an các đơn vị, địa phương kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Giám đốc công an cấp tỉnh ra quyết định thanh tra đối với những lĩnh vực, vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều công an đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý; những lĩnh vực, vụ việc đặc biệt phức tạp liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó trách nhiệm chủ yếu của công an cấp tỉnh.

Chánh thanh tra công an cấp tỉnh ra quyết định thanh tra đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Công an cấp tỉnh theo kế hoạch đã được giám đốc công an cấp tỉnh phê duyệt; thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc các lĩnh vực, vụ việc do giám đốc công an cấp cấp tỉnh giao.

Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng ra quyết định thanh tra đối với những lĩnh vực, vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; thanh tra đột xuất đối với vụ việc theo thẩm quyền.

Chánh Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng ra quyết định thanh tra đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo kế hoạch đã được Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng phê duyệt; thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý hoặc các lĩnh vực, vụ việc do Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng giao theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND.

Địa điểm, thời gian làm việc của đoàn thanh tra quy định tại Điều 9 bổ sung thêm một số nội dung, cụ thể: Đoàn thanh tra làm việc tại trụ sở của đối tượng thanh tra, trụ sở cơ quan thanh tra hoặc nơi tiến hành kiểm tra, xác minh. Đoàn thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giờ hành chính. Trong trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định về thời gian cụ thể, thông báo cho các bên có liên quan.

Bổ sung Điều 10 quy định về thành phần đoàn thanh tra, cụ thể: Thành phần đoàn thanh tra bao gồm trưởng đoàn thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có) và thành viên đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, tiến độ theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của đoàn thanh tra; phó trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm giúp trưởng đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ được giao, phụ trách một số hoạt động của đoàn thanh tra khi được trưởng đoàn thanh tra giao; thành viên đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn thanh tra. Căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì cuộc thanh tra tham mưu, đề xuất thành phần đoàn thanh tra, báo cáo người ra quyết định thanh tra.

Bổ sung Điều 11, Điều 12 quy định về các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra và việc thay đổi thành viên đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra.

Chương II Quy trình tiến hành thanh tra từ Điều 13 đến Điều 33 bổ sung các quy định mới về công tác nắm tình hình trước khi ra quyết định thanh tra; phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra; quy định cụ thể nội dung tiến hành thanh tra; chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác có thẩm quyền; biểu mẫu trong hoạt động thanh tra.

Thạc sĩ, Trung tá Nguyễn Hùng Thắng, Phó Trưởng phòng 4, Thanh tra BộCông an