Theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Luật Thanh tra 2022 được xây dựng theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả.

Các hoạt động thanh tra được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngay sau khi luật có hiệu lực chính thức, Thanh tra Bộ TN&MT đã tổ chức nghiên cứu, triển khai toàn bộ nội dung và có thảo luận liên quan đến các quy định của Luật Thanh tra cũng như là các nghị định hướng dẫn thi hành.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ TN&MT gặp một số khó khăn, cụ thể:

Về lĩnh vực thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, tại Điều 19 Nghị định số 03 quy định: Cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...

Cũng tại khoản 8, Điều 20 Nghị định số 03 quy định Bộ TN&MT có 3 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là: Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và Cục Khoáng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT đã quy định Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám.

Tại Nghị định số 68 các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản, địa chất sẽ có nhiều đơn vị trực thuộc Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực đó.

Đại diện Thanh tra Bộ cho hay, về lĩnh vực đất đai có 3 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước gồm: Vụ Đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai và Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất.

Mỗi đơn vị đều có chức năng, nhiệm vụ khác nhau như: Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về giá đất, quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giá đất, quy hoạch và phát triển tài nguyên đất theo quy định của pháp luật.

Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai thực hiện chức năng phân loại đất và chế độ sử dụng các loại đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; lập, chỉnh lý hồ sơ địa chính; thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý, giám sát về biến động đất đai; hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; tổ chức in ấn, phát hành và quản lý phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổ chức thực hiện các dịch vụ công thuộc chức năng của cục theo quy định của pháp luật.

Vụ Đất đai có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng xây dựng và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; đánh giá tác động chính sách, pháp luật về đất đai; theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra việc thi hành chính sách, pháp luật về đất đai.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (là cơ quan được giao thực hiện chức năng chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 03/2022/NĐ-CP) có được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực đất đai hay không hay chỉ được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ của cục?

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 24 Nghị định số 03 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành: “Phân công công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành”, tuy nhiên chưa quy định thời hạn phân công.

Khoản 2 Điều 43 Luật Thanh tra quy định: “Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được cấp trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành”.

Thanh tra Bộ đề nghị hướng dẫn về thời hạn phân công công chức, viên chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Khoản 1 Điều 70 Luật Thanh tra quy định: “Người ra quyết định thanh tra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra…”.

Với quy định này, Thanh tra Bộ TN&MT cho rằng, trong quá trình thực hiện, có một số nội dung thanh tra cần phải thực hiện trưng cầu giám định; thanh tra về môi trường đa phần phải thực hiện phân tích mẫu nên phải mất một khoảng thời gian để có kết quả giám định, phân tích mẫu (có trường hợp thời gian để có kết quả giám định và phân tích mẫu vượt quá 30 ngày).

Do đó, Thanh tra Bộ đề nghị hướng dẫn “khi thực hiện trưng cầu giám định, phân tích mẫu thì người ra quyết định thanh tra có được tạm dừng cuộc thanh tra không? Trường hợp được tạm dừng cuộc thanh tra thì có được tạm dừng đến khi có kết quả giám định và phân tích mẫu không? (có được áp dụng sự kiện bất khả kháng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 70 Luật Thanh tra không?)”.

Trường hợp không được tạm dừng theo quy định tại Điều 70 Luật Thanh tra mà người ra quyết định thanh tra đã thực hiện gia hạn nhưng hết thời gian gia hạn vẫn chưa có kết quả giám định, phân tích mẫu thì xử lý thế nào?

 

Thái Hải