Xử lý vi phạm các hành vi tín dụng đen

Trong những năm qua, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm đến hoạt động “tín dụng đen” được các phòng chức năng của Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, TP Thanh Hóa thực hiện nghiêm các quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) cho các cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính; không cấp phép cho cơ sở nào kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra hành chính đối với các cơ sở cầm đồ, công ty tài chính trên các địa bàn.

Tổng số đã kiểm tra 1.507 lượt, 910 cơ sở, xử phạt 255 vụ, 255 đối tượng, trong đó xử phạt 20 đơn vị về vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi cho vay tiền với lãi suất cao, 235 vi phạm khác về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và ANTT. Điển hình, ngày 28/3/2023, Công an tỉnh đã huy động 2.395 cán bộ chiến sỹ thuộc các đơn vị đồng loạt kiểm tra 735 cơ sở cầm đồ trên toàn tỉnh phát hiện 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, xử phạt VPHC số tiền phạt ước tính gần 2,4 tỷ đồng.

Ngoài việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật còn kịp thời cập nhật, bổ sung thông tin, tình hình tại các cơ sở, góp phần phòng ngừa, triệt tiêu nguy cơ, khả năng, điều kiện để tội phạm hoạt động. Đối với số đối tượng trong các băng nhóm nghi vấn tham gia hoạt động đòi nợ thuê, lực lượng công an thường xuyên gọi hỏi, răn đe, yêu cầu cam đoan, cam kết không có hoạt động cho vay, đòi nợ trái phép.

Mặt khác, tích cực rà soát, thống kê các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội “tín dụng đen” trên địa bàn từng huyện, thị xã, thành phố; đồng thời tăng cường biện pháp nghiệp vụ trong việc quản lý và thu thập các thông tin, tài liệu phản ánh tình hình, đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý hành các hành vi vi phạm đến hoạt động “tín dụng đen” đã giúp cho lực lượng Công an nắm chắc được tình hình đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động và các sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, đáo hạn ngân hàng… Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm được đẩy mạnh làm cho tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” giảm cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng; công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này được siết chặt.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hoá đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.

Chuyển 5 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra

Trong 5 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa đã tiến hành 229 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, ban hành 94 quyết định xử phạt VPHC đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm, số tiền xử phạt là 1.229,5 triệu đồng. Cảnh cáo đối với 20 trường hợp, đình chỉ 3 trường hợp cán bộ Quỹ Tín dụng Nhân dân có vi phạm. Chuyển hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với 5 vụ việc.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra diện rộng trên địa bàn tỉnh về thực hiện các quy định pháp luật về quản lý thuê bao di động. Chấn chỉnh đối với các hành vi vi phạm quy định và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, môi trường mạng, xuất bản ấn phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, không cho đăng tải, đồng thời xóa các bài viết quảng cáo trái phép có liên quan đến “tín dụng đen”.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương ngăn chặn, bóc gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo, tờ rơi có nội dung liên quan đến “tín dụng đen” và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc liên quan đến dịch vụ cầm đồ cho 161 doanh nghiệp, chỉ đạo các đơn vị có chức năng tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ và tiến hành hậu kiểm việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tỉnh trong việc xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT cho các cơ sở kinh doanh cầm đồ và cung cấp thông tin, hồ sơ đăng ký của 1.668 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho các cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác điều tra các vụ án hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tiến hành kiểm tra chấp hành các quy định của Luật Doanh nghiệp đối với 85 doanh nghiệp, thực hiện cảnh báo vi phạm đối với 795 doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với 1.642 doanh nghiệp. Đối với hộ kinh doanh có kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm 1.214 hộ thì đều đã 12 được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chuyển thông tin cho lực lượng công an và các cơ quan để quản lý.

Sở Tư pháp đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 20/01/2019 theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2020, trong đó có nội dung theo dõi thi hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường và các văn bản pháp luật có liên quan…

Văn Thanh