Hội nghị sẽ tập trung vào những nội dung cơ bản của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành như Luật Thanh tra 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Thanh tra, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; trong đó tập trung vào những điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Cụ thể như: Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra, thủ trưởng các cơ quan thanh tra, việc thành lập thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành;

Những điểm mới trong hoạt động thanh tra, từ việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, hình thức thanh tra, thời gian thanh tra, trình tự thủ tục, các bước tiến hành thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; vấn đề thanh tra nội bộ; việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra...

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, ông Trần Đăng Vinh cho biết, sau khi giới thiệu các nội dung cơ bản về Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hội nghị sẽ dành thời gian thảo luận, trong đó, để các các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương có thể nêu lên những ý kiến tiếp thu, những khó khăn, vướng mắc về pháp luật cần tháo gỡ, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra trong thời gian tới.

Căn cứ vào những quy định hiện hành, Thanh tra Chính phủ sẽ trả lời những nội dung mà các đại biểu quan tâm, nhất là hiểu chưa hết hoặc chưa đầy đủ về Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời, sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật, những quan hệ pháp luật trong hoạt động thanh tra cần phải có quy phạm pháp luật điều chỉnh để tổng hợp, nghiên cứu báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, ban hành, hướng dẫn áp dụng pháp luật về thanh tra trong thời gian tới.

Hội nghị sẽ dành nhiều thời gian cho phần trả lời, giải đáp các ý kiến của đại biểu tham gia.

Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu của các đại biểu để vừa giải thích, hướng dẫn, vừa tiếp thu, tiếp nhận, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thanh tra trong thời gian tới, nhất là trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra năm 2022, như các quy định về xây dựng, định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra; quy trình tiến hành một cuộc thanh tra, các mẫu biểu trong hoạt động thanh tra, thẩm quyền, trình tự, thủ tục về thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; quản lý và sử dụng thẻ thanh tra viên; trang phục thanh tra viên… nhằm đảm bảo cho hoạt động thanh tra ngày càng thuận lợi, đồng bộ, hiệu quả.

Thái Hải