Ngày 9/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể để thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng; phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tội phạm tham nhũng và chức vụ tăng là điều “rất đáng suy nghĩ”

Nêu ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai đề cập đến số liệu tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng hơn 33%; tội phạm lạm dụng chức vụ quyền hạn tăng đến 69%.

“Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, rất đáng suy nghĩ”, ông Mai nói.

Ông đặt vấn đề: Chúng ta quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà loại tội phạm tăng thì đây có phải là “xu hướng” không? 

“Nếu đây là xu hướng mà mình đã đấu tranh quyết liệt rồi, trước đó đã xử lý nhiều mà vẫn phát sinh thế này thì phải quay lại xem từ khâu bố trí cán bộ đến cơ chế, chính sách”, đại biểu Mai nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nguyên nhân nào, xu hướng thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai. Ảnh: Đ.X

Ông Dương Khắc Mai đặc biệt lưu ý, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ nên cần phải có những biện pháp mạnh hơn.

Bày tỏ tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng đại biểu Trần Công Phàn cho hay, “bình tĩnh lại” ông thấy thực hiện các biện pháp phòng dường như chưa được tập trung. 

“Chúng ta đưa ra truy tố một số vụ án lớn và người phạm tội có chức vụ cao. Chúng ta phấn đấu để “không dám, không thể, không cần, không muốn” tham nhũng, nhưng hai vụ án xảy ra gần đây cho thấy họ vẫn dám, họ vẫn có thể tham nhũng trong lúc khó khăn như vậy”, ông phân tích.

Từ đó, đại biểu Phàn đặt vấn đề, chúng ta chú ý yếu tố ‘phòng” chưa hay mới dừng ở quyết tâm “chống”?

“Chúng ta phấn khởi vì đã đưa được nhiều vụ ra ánh sáng. Chúng ta phấn khởi nhưng cái phấn khởi này đã bền vững chưa?”, ông Phàn băn khoăn.

Cần thiết có hậu thanh tra, kiểm tra để hạn chế tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu sau đó, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2022. 

Ông cũng dành thời gian để giải trình thêm một số vấn đề, nhất là những hạn chế.

Theo Phó Tổng Thanh tra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, có những mặt hình thức. 

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã chủ động đề xuất đánh giá, tổng kết công tác này, từ đó đưa ra giải pháp để thực hiện hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Ông Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh, phải thực hiện mạnh mẽ hơn các giải pháp công khai minh bạch; tăng cường trách nhiệm giải trình; chấp hành tiêu chuẩn, định mức; cải cách thủ tục hànhh chính; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập...

“Chúng tôi thấy rằng phải thực hiện thường xuyên, mạnh mẽ và quyết liệt hơn các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Chúng ta không chỉ chống, không chỉ xử lý nghiệm mà phải phòng ngừa tham nhũng”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Đ.X

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, qua các “đại án” như Việt Á, vụ án Cục Lãnh sự, vụ FLC, Tân Hoàng Minh, vụ AIC, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã có kiến nghị tương đối sát.

“Ví dụ, cần thiết có hậu thanh tra, kiểm tra để đảm bảo kiềm chế một số đối tượng “không biết sợ”, ông Ngọc nói.

Cạnh đó, là hoàn thiện một số thể chế pháp luật, kiến nghị cảnh báo những luật dễ bị lợi dụng chính sách, sơ hở để sai phạm. Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. 

“Khi chúng ta làm tốt cái này, việc người dân trực tiếp dùng giấy tờ, gặp cơ quan công quyền sẽ hạn chế, tình trạng “tham nhũng vặt”, bôi trơn sẽ được hạn chế...”, Thứ trưởng Bộ Công an nêu.

Cơ cấu tội phạm hậu COVID-19 đang rất phức tạp

Theo Thứ trưởng, mỗi giai đoạn, cơ cấu tội phạm có những điểm khác nhau. Giai đoạn 2010 - 2020 là tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng. Từ năm 2020 đến nay là tội phạm lợi dụng dịch bệnh, thiên tai, tội phạm mạng không biên giới. 

Đáng lưu ý, cơ cấu tội phạm hậu COVID-19 đang rất phức tạp, ở một số nhóm tội danh, chẳng hạn mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân dẫn đến giết người thân; tội phạm tâm thần, “ngáo đá”, lừa đảo, tệ nạn xã hội, dâm ô...

“Chúng tôi sẽ tích cực có các biện pháp, nhưng quan trọng nhất là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, vừa tuyên truyền, vừa đấu tranh, vừa phòng ngừa, vừa triệt phá thì mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới”, Thứ trưởng Công an nhấn mạnh. 

Hương Giang