Triển khai 13 cuộc thanh tra chuyên ngành

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay đã triển khai 16 cuộc thanh tra, trong đó có 3 cuộc thanh tra hành chính và 13 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra chuyên ngành, đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 2 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Qua thanh tra, phát hiện 64 tổ chức, cá nhân vi phạm. Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra: Vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, ghi nhãn thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, sử dụng chất cấm...; công tác quản lý Nhà nước việc khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế và dân số, vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký, lưu hành, quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; hoạt động công bố, sản xuất, đăng ký lưu hành, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế.

Ban hành 64 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 14,4 tỷ đồng. Đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý 2 vụ việc (1 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng giả).

Đánh giá về kết quả, hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác thanh tra 9 tháng qua, Bộ Y tế cho biết, do phải thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023. Đến nay các cuộc thanh tra đột xuất đã được kết luận và công bố công khai theo quy định. Một số cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2023 đến nay đang trong quá trình hoàn thiện kết luận và sớm công bố trong thời gian đầu quý IV/2024.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân là các cuộc thanh tra đột xuất về việc thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC là các cuộc có nhiều nội dung mới, phức tạp nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra. Bên cạnh đó, tình hình ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt tại các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung vừa qua, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị Thanh tra chuyên ngành về việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2024 để chuyển sang kế hoạch thanh tra năm 2025.

Ngoài ra, thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, Bộ Y tế từ 6 cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nay chỉ còn 2 đơn vị là Cục Dân số và Cục An toàn thực phẩm, do đó chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Bộ được bổ sung thêm các lĩnh vực khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, y tế dự phòng và môi trường y tế. Tuy nhiên, biên chế không được bổ sung đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện các cuộc thanh tra.

Tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), Bộ Y tế cho biết, trong 9 tháng năm 2024, số lượng đơn thư của công dân gửi đến Bộ Y tế có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng tình trạng đơn nặc danh, mạo danh, đơn không ghi địa chỉ vẫn còn nhiều. Qua đó, đã làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư, ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị

9 tháng qua, Bộ Y tế nhận được 631 đơn, đến nay 631 đơn đã được giải quyết, trong đó có 4 đơn thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Theo dự báo của Bộ Y tế, 3 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, số lượng đơn thư KNTC gửi đến ngành Y tế so với giai đoạn trước có thể không tăng về mặt số lượng nhưng sẽ tăng về mức độ phức tạp, có thể có cả những đơn KN đã có quyết định giải quyết KN về hành chính đã có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra tòa án nhưng công dân vẫn tiếp tục KN.

Để tiếp tục phát huy vai trò của công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt để chỉ đạo Thanh tra Bộ và các cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch. Tập trung thanh tra, kiểm tra vào các lĩnh vực y tế mà dư luận xã hội đang quan tâm, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu trang thiết bị y tế, hóa chất vật tư y tế tiêu hao.

Thường xuyên chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, xử lý nghiêm các trường hợp né tránh đùn đẩy trong việc thực thi nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo. Đồng thời tăng cường việc kiểm soát việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Về công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường sự  lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan trong công tác giải quyết KNTC của công dân. Tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KN,TC, công tác đối thoại… để hạn chế tình hình KN, kiến nghị, phản ánh vượt cấp. Thông qua đó, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền KNTC theo đúng thẩm quyền của pháp luật.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong đảng viên, cán bộ công chức hiểu rõ để tham mưu, phối hợp thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư, KNTC của công dân. Thường xuyên quan tâm cử công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức nghiệp vụ nhằm góp phần củng cố nâng cao chất lượng trong công tác tiếp dân và giải quyết KNTC.

Xây dựng cụ thể kế hoạch để giải quyết đơn thư, KNTC của công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp tình hình an ninh - chính trị.

Phương Anh