Vụ việc xảy ra ở lớp 4/3 Trường Tiểu học Chương Dương, Quận 1, TP HCM, khi cô giáo chủ nhiệm lớp này xin Ban Đại diện cha mẹ học sinh ủng hộ tiền mua laptop.

Vấn đề này được Ban Đại diện cha mẹ học sinh thông báo tại buổi họp lớp. Các phụ huynh đã tham gia đóng tiền ủng hộ theo đề nghị của cô giáo. Việc làm nêu trên không có chuyện ép buộc, việc đóng tiền diễn ra theo khả năng của từng phụ huynh. Và số tiền quyên góp được đã chuyển thẳng tới cô giáo chủ nhiệm lớp.

Sự việc nêu trên đã không “đầu xuôi đuôi lọt”, bởi các diễn biến sau đó gây bức xúc cho một số phụ huynh của lớp do có người đồng ý, có người không. Cô giáo cũng đã trả lại tiền cho Ban Phụ huynh khi sự việc vỡ lở.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương đã xác nhận với báo chí về sự việc nêu trên.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1, TP HCM đã làm việc với lãnh đạo Trường Tiểu học Chương Dương cùng cô giáo để xảy ra vụ việc, đồng thời tạm đình chỉ đứng lớp đối với cô chủ nhiệm này. 

Trước hết, phải khẳng định việc cô chủ nhiệm xin hỗ trợ mua laptop - dù là để phục vụ dạy học, vẫn là việc xin tiền phụ huynh cho cá nhân cô giáo. Đây là việc làm sai với hướng dẫn thu các khoản đầu năm học theo Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như hướng dẫn của các Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương.

Nói về việc thu tiền của phụ huynh để mua sắm thiết bị cho lớp học, trường học như cách làm nêu trên, không ít ý kiến cho rằng, đấy chỉ là việc xã hội hóa, kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh để phục vụ chuyện học của các con.

Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc hiểu sai chính sách xã hội hóa giáo dục có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, tạo ra những điều phản cảm. Điển hình, trong vụ việc này, khi không đạt được điều mong muốn, giáo viên chủ nhiệm đã “dỗi” với phụ huynh, và lập tức học sinh là đối tượng bị “trút hờn giận” bằng việc không soạn đề cương ôn tập cho học sinh, cho học sinh học theo bài giảng trên tivi… mặc dù việc giảng dạy, soạn đề cương, hướng dẫn ôn tập, kiểm tra, chấm bài, trả bài… là nhiệm vụ chuyên môn mà cô giáo phải thực hiện theo đúng qui chế.

Xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục là việc làm cần thiết.

Việc xã hội hóa đã góp phần rất to lớn trong việc phát triển cơ sở vật chất của ngành Giáo dục. Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, và cả những người yêu quý sự nghiệp giáo dục đã rất tích cực đóng góp đất đai, công sức, tiền của, vật chất cho ngành Giáo dục bằng những việc làm cụ thể như: hiến đất xây trường, xây dựng lớp học, xây dựng phòng học, ủng hộ thiết bị giảng dạy, sách vở, giấy bút…

Tuy nhiên, việc xã hội hóa không phải là chuyển toàn bộ gánh nặng tài chính lên vai phụ huynh. Việc cô giáo tự kêu gọi phụ huynh đóng góp mà không báo cáo, và được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý ngành Giáo dục là việc làm sai. Đây là việc làm ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh của nhà giáo, do giáo viên hành xử không đúng thẩm quyền trong mối quan hệ với phụ huynh, tạo ra những điều bức xúc không cần thiết.

Cũng liên quan đến việc xã hội hóa giáo dục bằng việc vận động phụ huynh quyên góp tiền để xây dựng, mua sắm thiết bị phục vụ học tập, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu Trường THPT số 3 Phù Cát, huyện Phù Cát, tháo gỡ và trả lại 7 tivi cho Ban Đại diện cha mẹ học sinh các lớp 10, do việc vận động thu tiền sai nguyên tắc.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đồng thời yêu cầu Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, đề nghị Ban Đại diện cha mẹ học sinh ngưng vận động quyên góp, hoàn trả tiền cho các cha mẹ học sinh đã tham gia đóng góp ủng hộ xây dựng nhà để xe học sinh. Điều này cho thấy, không phải việc “núp bóng” Ban Phụ huynh để huy động xã hội hóa là có thể dễ dàng được chấp nhận.

Việc xã hội hóa theo cách “chuyển gánh nặng” lên vai phụ huynh cần phải chấm dứt, đừng để chuyện xã hội hóa như thế trở thành tiền lệ xấu để những người làm ngành Giáo dục không mang tiếng thầy cô giáo đi “xin xỏ” hỗ trợ từ phụ huynh.

CÔNG THẮNG