Không có khiếu nại, tố cáo đối với đoàn thanh tra

Theo báo cáo của UBND 9 tỉnh, thành thí điểm, các địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các vụ, cục chức năng thuộc các bộ (Cục ATTP, Thanh tra Bộ Y tế và các cơ quan chức năng liên quan), đã kịp thời đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, giúp các địa bàn thí điểm triển khai hoạt động thanh tra đúng thời hạn; đồng thời, luôn kịp thời giải đáp những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.

Tại địa phương, cấp ủy và chính quyền các cấp đã xác định việc triển khai Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg là nhiệm vụ trọng tâm, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện. Tổ thường trực giải đáp, hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg của cấp tỉnh đã giải đáp, hướng dẫn cũng như xin ý kiến của cơ quan cấp trên kịp thời để triển khai cho UBND cấp huyện, cấp xã.

Một số địa phương thí điểm đã chỉ đạo và giao phó chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã là trưởng đoàn thanh tra, đặc biệt là cấp xã, nên việc triển khai các hoạt động thanh tra chuyên ngành có nhiều thuận lợi; có sự chủ động và phối hợp liên ngành chặt chẽ, sự tham gia tích cực của các công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP.

Báo cáo tổng kết công tác thí điểm trên cả 9 tỉnh, thành phố đều cho thấy, các cơ sở thực phẩm được thanh tra đều chấp hành quyết định thanh tra, không xảy ra phản ánh, khiếu nại, tố cáo đối với đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra.

Việc thanh tra được tiến hành đối với đủ nhóm cơ sở thực phẩm cấp huyện, cấp xã quản lý như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thuộc ngành Y tế quản lý và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Nông nghiệp và ngành Công thương quản lý.

leftcenterrightdel
 

Công tác thanh tra, kiểm tra đã kết hợp với tuyên truyền chính sách, pháp luật và kiến thức về ATTP, đã nhận được sự ủng hộ của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân; công tác truyền thông đã giúp người dân nâng cao được hiểu biết và ý thức trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, lựa chọn thực phẩm và cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Các tỉnh thí điểm đã bảo đảm kinh phí cho công tác triển khai thí điểm; đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ được đáp ứng tối đa, đảm bảo đáp ứng kịp thời; thu tiền xử phạt được thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định.

Có là… muối bỏ bể?

Trong nhiều khó khăn khi triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, thống kê của 100% đơn vị triển khai đã chỉ ra những bất cập về nhân lực. Thậm chí, đây cũng là lý do mà có địa phương đề nghị… dừng thí điểm.

Theo thống kê, tổng số người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa bàn thí điểm là 5.090 người, trong đó cấp huyện có 775 người, cấp xã 4.315 người. Trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có 10,8 người; cấp xã có 4,4 người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP.

Tổng số người được đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP thuộc các địa bàn thí điểm là 5.010 người. Trong đó, cấp huyện có 749 người, cấp xã 4.261 người. Trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có 10,4 người; cấp xã có 4,4 người được đào tạo.

Tuy nhiên, việc đào tạo cập nhật ngắn ngày không thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Nhân lực tại cấp huyện, cấp xã còn thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; không có đủ nhân lực là công chức; công chức, viên chức có nghiệp vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công thương rất ít; tuyến xã không có chuyên trách về ATTP. Nhân lực tại cấp xã thường xuyên có sự luân chuyển nên cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra bị thay đổi, ảnh hưởng đến hoạt động của thanh tra ATTP; trường hợp thay thế thì cán bộ mới không kịp đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành còn phải thực hiện nhiều công việc chuyên môn khác, nên việc bố trí thời gian tham gia đoàn thanh tra cũng rất khó khăn.

leftcenterrightdel
Việc thanh tra ATTP góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của người dân 
 

Trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thì hầu hết cấp huyện, cấp xã triển khai thí điểm thanh tra là lần đầu, chưa có kinh nghiệm nên còn bỡ ngỡ khi thực hiện triển khai thanh tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP thí điểm còn phải đối diện với hàng loạt những “biến tấu” khác. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cấp xã chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, hoạt động theo thời vụ, ngoài giờ, thường xuyên thay đổi địa điểm, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... Điều này gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, khi ban hành quyết định thanh tra xong thì cơ sở đã đóng cửa, chuyển địa điểm, không hợp tác với đoàn. Khi tổ chức thanh tra theo kế hoạch, một số cơ sở nhận được thông báo đã đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để đối phó với đoàn thanh tra. Chưa kể, ở cấp xã, giữa các cơ sở được thanh tra với cán bộ đi thanh tra lại là “làng xóm, họ hàng”.

Bộ Y tế đánh giá, tâm lý “hàng xóm, họ hàng” đã dẫn đến tình trạng các đoàn thanh tra thường có tâm lý ngại thanh tra, chỉ đôn đốc nhắc nhở. Điều này cũng làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính, tỉ lệ nhắc nhở còn cao.

Đó là chưa kể, triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP thuộc lĩnh vực của 3 ngành (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương), nhưng qua 1 năm triển khai, có tỉnh công tác tham mưu chỉ cơ bản tập trung ngành Y tế (Gia Lai). Việc thanh tra độc lập nhiều tỉnh không triển khai do cần sự phối hợp chuyên môn thuộc các lĩnh vực.

Nhìn lại, có đến một nửa thời gian thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP diễn ra trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Khi đó, cả nước thực hiện phòng, chống dịch, giãn cách xã hội, hạn chế lễ hội, du lịch, dịch vụ. Phần lớn các cơ sở dịch vụ ăn uống tạm ngừng hoạt động, hạn chế hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Chính phủ. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thí điểm nên một số chỉ tiêu, số liệu nêu trong báo cáo của 9 tỉnh, thành phố thí điểm chưa phản ánh được toàn diện kết quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.

Tuy vậy, sự khác biệt trước và sau thí điểm đã được định lượng khá rõ rệt. Sự khác biệt này có cho thấy chỉ số an toàn trong tiêu dùng, kinh doanh thực phẩm được nâng lên? Chúng tôi sẽ trở lại với kết quả này để bạn đọc theo dõi.

Bài 3:  Khác biệt nhưng có đủ an toàn?

Đan Quế