Cần những giải pháp nào để chế định lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP nói riêng, thanh tra chuyên ngành nói chung? Báo Thanh tra sẽ lần lượt đề cập đến những vấn đề này…

Cùng thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thanh tra ATTP nhưng việc triển khai, vào cuộc và cả các nội dung thực hiện của mỗi địa phương là hoàn toàn khác nhau.

Nơi tuyên truyền bài bản, chỗ “hữu xạ tự nhiên hương”

Theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh thí điểm thực hiện gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ); 2 tỉnh thuộc Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh), 1 tỉnh vùng Tây Nguyên (Gia Lai); 1 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ (Đồng Nai). 9 tỉnh thí điểm cơ bản là đại diện cho các vùng kinh tế - xã hội phát triển, trọng điểm kinh tế và du lịch, dịch vụ, tỉnh có các khu công nghiệp phát triển, tỉnh vùng miền núi. Các tỉnh thí điểm có số lượng lớn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... và là những trung tâm phân phối thực phẩm cho các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, 9 tỉnh thí điểm đã tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, thời gian thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg cho cán bộ công chức, viên chức, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn; lồng ghép vào các đợt cao điểm: Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2019, 2020, Tháng Hành động vì ATTP năm 2019, 2020, Tết Trung thu năm 2019, 2020 với nhiều hình thức tuyên truyền như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn và hơn 380 cuộc tọa đàm theo chuyên đề về ATTP; đưa 8.387 lượt tin về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên hệ thống loa truyền thanh và 36 lượt tin trên truyền hình; treo 4.984 băng rôn, khẩu hiệu; phát hành 110.556 tờ rơi, áp phích về nội dung thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP để người dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được biết. Trong đó, có 3 tỉnh nổi bật về hoạt động truyền thông đó là: TP Hà Nội, TP Cần Thơ và tỉnh Hà Tĩnh.

leftcenterrightdel
 Thí điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động thanh tra chuyên ngành về ATTP được đẩy mạnh
 

TP Hà Nội đã tổ chức ra quân thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã; tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài, truyền thanh của thành phố và Trung ương.

TP Cần Thơ đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg, truyền thông trên hệ thống loa đài, báo điện tử, báo giấy của thành phố, truyền hình… để người dân, các cơ sở thực phẩm biết về hoạt động thanh tra chuyên ngành. Trong đó đài truyền thanh tuyến quận, huyện phát thanh tuyên truyền các thông điệp bảo đảm ATTP trong các đợt cao điểm, với 5.970 lượt. Toàn thành phố vận động 415 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tự treo băng rôn hưởng ứng tuyên truyền bảo đảm ATTP trong các đợt cao điểm. Thực hiện in ấn, cấp phát tài liệu truyền thông xuống tuyến huyện, tuyến xã gồm: 335 băng rôn, 190 đĩa DVD, 1.855 áp phích, 34.110 tờ gấp, tờ rơi, 170 tài liệu hỏi đáp về ATTP. Tổ chức hội thảo đảm bảo ATTP cho các đối tượng thuộc ngành y tế quản lý, với 160 người tham dự.

Tỉnh Hà Tĩnh thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg được triển khai lồng ghép các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, Thánh Hành động vì ATTP, Tết Trung thu... với nhiều hình thức tuyên truyền như: Tổ chức 15 lớp tập huấn với gần 1.700 người tham gia; 315 buổi nói chuyện chuyên đề; tổ chức hội nghị, hội nghị trực tuyến với gần 300 người; phát thanh 1.960 lượt; phát hành 189 băng đĩa; treo 121 băng rôn, khẩu hiệu nhằm tuyên truyền về ý nghĩa.

Trung bình triển khai 2,6 đoàn/12 tháng

Cũng theo tổng kết, số cơ sở thực phẩm trên 9 tỉnh, thành thí điểm là 371.038. Trong đó số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là 91.720; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống là 98.758; chợ/trung tâm thương mại là 1.356; cơ sở sản xuất ban đầu nông lâm, thủy sản, muối là 177.174; cơ sở giết mổ là 2.030. Tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc các địa bàn thí điểm là 41.549.

Tính số đoàn thanh tra, kiểm tra theo đơn vị hành chính thí điểm (gồm cả cấp huyện, cấp xã thí điểm) ghi nhận: Trung bình mỗi đơn vị hành chính thí điểm triển khai 2,6 đoàn/12 tháng. Trong đó tỉnh có đơn vị hành chính triển khai nhiều đoàn nhất là Cần Thơ (10,8 đoàn/12 tháng), Đồng Nai (5,4 đoàn/12 tháng). Tỉnh có đơn vị hành chính triển khai ít đoàn nhất là TP Hồ Chí Minh (1,2 đoàn/12 tháng), Hà Tĩnh (2,3 đoàn/12 tháng).

leftcenterrightdel
Thanh tra về ATTP được triển khai bài bản 
 

Tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra đã triển khai tại các địa bàn thí điểm của 9 tỉnh thí điểm là 2.731 và 8 cuộc thanh tra độc lập. Các tỉnh có số đoàn triển khai nhiều là Hà Nội (1.946 đoàn), TP Hồ Chí Minh (418 đoàn), Thanh Hóa (149 đoàn). Các tỉnh có số đoàn triển khai ít là Gia Lai (6 đoàn), Đà Nẵng (11 đoàn). Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn thí điểm là 118.453 cơ sở.

Số cơ sở vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra trong thời gian thí điểm là 17.698 cơ sở (chiếm 14,94%). Đã xử phạt 9.476 cơ sở với tổng số tiền phạt là 23,7 tỷ đồng (chiếm 42,63%). Trung bình phạt tiền 3,14 triệu đồng/1 cơ sở. Tỉnh có số tiền xử phạt nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh (11,5 tỷ đồng), Hà Nội (10,9 tỷ đồng), Thanh Hóa. Tỉnh có số tiền xử phạt ít nhất là Gia Lai (10 triệu đồng), Đà Nẵng (24,1 triệu đồng).

Số cơ sở vi phạm không xử lý (nhắc nhở) là 8.222 cơ sở (chiếm 46%), trong đó có 3 tỉnh xử phạt 100% các cơ sở vi phạm được phát hiện (Hải Phòng, Đà Nẵng, Gia Lai).

Về kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, có 7/9 tỉnh có số liệu báo cáo. Hai đơn vị không có số liệu báo cáo là Hà Tĩnh, Đồng Nai. Theo số liệu này, trong thời gian thí điểm đã thực hiện kiểm nghiệm tại labo 3.582 mẫu thực phẩm. Số mẫu không đạt là 225 mẫu, chiếm 6,28%; test nhanh 133.823 mẫu thực phẩm, phát hiện 11.258 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 8,41%.

Nguyên nhân của tình trạng “mỗi nơi một phách” nói trên là gì? Chúng tôi sẽ trở lại trong bài viết tiếp theo.

Chỉ có 1 tỉnh báo cáo thí điểm đúng hạn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 9792/VPCP-TCCV ngày 23/11/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND 9 tỉnh, thành phố thí điểm và 6 bộ, ngành đề nghị báo cáo bổ sung kết quả thí điểm. Thời hạn yêu cầu UBND 9 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Bộ Y tế là ngày 20/12/2020. Tuy nhiên chỉ có 1 đơn vị gửi báo cáo đúng hạn  là TP Cần Thơ. 8 đơn vị gửi báo cáo quá hạn, trong đó Hà Nội báo cáo chậm nhất, ngày 19/2/2021 mới có báo cáo.

 

Không thiếu ngân sách

Tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian thí điểm là 23,6 tỷ đồng. Có 6/9, thành tỉnh có báo cáo ngân sách chi cho hoạt động thí điểm là 4,7 tỷ đồng. 3/9 tỉnh không có báo cáo ngân sách chi cho hoạt động thí điểm là Hà Nội, Cần Thơ, Gia Lai. Theo báo cáo của các tỉnh thí điểm, không có tỉnh nào có ý kiến về việc thiếu ngân sách cho hoạt động thí điểm. Việc sử dụng ngân sách chi cho hoạt động thí điểm gồm: May trang phục thanh tra, kinh phí đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, công tác phí cho đoàn thanh tra, kiểm tra; văn phòng phẩm, dụng cụ test nhanh, phương tiện di chuyển phục vụ đoàn, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn liên quan đến thí điểm, xử lý tiêu hủy thực phẩm vi phạm; sơ kết, tổng kết, khen thưởng cho công tác ATTP.

 

Thanh Hóa bố trí 3,5 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện thí điểm

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thí điểm đã chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương là 3.523 triệu đồng; trong đó, UBND tỉnh bố trí 3.196 triệu đồng từ nguồn kinh phí Chương trình Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh năm 2020 để chi cho các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội nghị, mua sắm thiết bị kiểm tra nhanh phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn tỉnh; TP Thanh Hóa bố trí 230 triệu đồng để chi may trang phục, tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động thanh tra; các huyện, thị xã còn lại bố trí từ 10 - 30 triệu đồng/đơn vị.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong đợt thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị là 618 triệu đồng, được nộp vào ngân sách Nhà nước. 

 

Bài 2: Gọi tên nỗi ngại "làng xóm, họ hàng" khi đi thanh tra?

Đan Quế