Hội đồng Tổng thống thực thi quyền lãnh đạo đất nước được thành lập hồi tháng 4/2022 (sau khi Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi cách chức Phó Tổng thống Ali Mohsen Al-Ahmar) đã ra lệnh cho Thủ tướng Maeen Abdul-Malik lãnh đạo một ủy ban giải quyết khủng hoảng mới để theo dõi sự phát triển kinh tế và giám sát lĩnh vực ngân hàng trên cả nước, với mục tiêu chống tham nhũng trong lĩnh vực này.

Ủy ban giải quyết khủng hoảng mới cũng sẽ hoạt động tích cực để giảm thiểu các biến động tiền tệ trong thị trường ngân hàng của đất nước, Hãng Thông tấn chính thức Saba của Yemen đưa tin.

"Ủy ban mới sẽ chủ yếu tìm kiếm các giải pháp khẩn cấp cho sự sụt giá của đồng tiền quốc gia, cũng như tình trạng lạm phát, nạn đói, thất nghiệp và phần còn lại của sự phân nhánh liên quan đến khủng hoảng kinh tế", một quan chức địa phương của Yemen nói với Tân Hoa xã.

"Việc trả lương cho công chức của đất nước cũng sẽ được thảo luận giữa đại diện của hai bên tham chiến dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc", quan chức này cho biết với điều kiện giấu tên.

Trong những tháng qua, lực lượng Houthi của Yemen đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ ở khu vực do Chính phủ Yemen kiểm soát.

leftcenterrightdel
Cuộc xung đột ở Yemen, bắt đầu vào cuối năm 2014, đã tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Ảnh: Hani Mohammed/AP 

Các quan chức của Chính phủ Yemen đã cáo buộc lực lượng Houthis tạo ra sự bất ổn trên toàn quốc và tác động tiêu cực đến nền kinh tế đang chững lại bằng cách đe dọa tấn công các công ty dầu mỏ nước ngoài ở Yemen.

Yemen sa lầy vào cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014 khi lực lượng Houthi chiếm giữ Thủ đô Sanaa và phần lớn miền Bắc Yemen, buộc Chính phủ Yemen phải lưu vong.

Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, chiến tranh và xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 377.000 người, gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng ở quốc gia Trung Đông này.

Liên hợp quốc cho biết, hơn 4 triệu người đã phải đi sơ tán để lánh nạn, trong khi 15,6 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực.

Trong ngày đầu năm 2023, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Yemen, ông Rashad Al-Alimi cam kết sẽ giải phóng đất nước khỏi lực lượng Houthi, đồng thời tuyên bố sẽ chi trả tiền lương cho người lao động trong khu vực công và khôi phục các dịch vụ công hiện đang xuống cấp ở Yemen.

leftcenterrightdel
Cùng với Nam Sudan, Syria, Somalia và Venezuela, Yemen là cái tên thứ 5 trong nhóm các nước tham nhũng nhất. Nguồn: TI 

Những cam kết và hành động của lãnh đạo Yemen là cực kỳ cần thiết, nhất là trong bối cảnh người dân Yemen cho rằng những đảm bảo trước đây của Chính phủ Yemen và Hội đồng Tổng thống đã không mang lại bất kỳ sự thay đổi nào trên thực địa ở các tỉnh được giải phóng.

Người dân thất vọng khi giá cả ngày càng gia tăng, đồng nội tệ ngày càng mất giá và tình trạng thiếu điện ngày một tồi tệ hơn.

Người lao động trong khu vực công cho hay, tiền lương của họ đã không tăng kể từ năm 2011 và đã mất 200% giá trị do đồng riyal của Yemen mất giá thảm hại và lạm phát leo thang.

Yemen cũng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). Điểm CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công) năm 2021 của Yemen chỉ đạt 16 điểm (trên thang điểm 100), xếp thứ 174/180 quốc gia được đánh giá.

Đức Anh