Theo China Daily, ông Lý Hy (66 tuổi), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông được bầu làm Bí thư CCDI khóa XX.

Ông Lý Hy là 1 trong 4 thành viên mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa XX, bên cạnh các ông Lý Cường, Thái Kỳ và Đinh Tiết Tường.

3 thành viên khóa cũ tái cử Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình (69 tuổi), Bí thư Thứ nhất Ban Bí thư Vương Hỗ Ninh (67 tuổi) và nguyên Bí thư CCDI Triệu Lạc Tế (65 tuổi).

Sáng 23/10, Tân Hoa xã đăng tải tuyên bố chung của phiên họp toàn thể thứ nhất của CCDI khóa XX do ông Lý Hy chủ trì. Tại phiên họp, Ủy ban đã bầu ra Bí thư, Phó Bí thư và các thành viên Ban Thường vụ CCDI, đồng thời báo cáo kết quả bầu cử cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc để thông qua.

Tổng cộng có 132/133 thành viên của CCDI khóa XX đã tham dự phiên họp.

Sau 7 ngày làm việc, ngày 22/10, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bế mạc. Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội XX, báo cáo công tác của CCDI khóa XIX, báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX đệ trình, Dự thảo Sửa đổi Điều lệ Đảng.

Nghị quyết sửa đổi Điều lệ Đảng nhấn mạnh, trong 5 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện tự quản đầy đủ và nghiêm ngặt. Các đảng viên cần học tập và tuân thủ nghiêm điều lệ Đảng, xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện, trong đó ông Tập Cận Bình là hạt nhân của Trung ương Đảng và toàn Đảng.

leftcenterrightdel
 Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX tổ chức phiên họp toàn thể đầu tiên tại Bắc Kinh, ngày 23/10/2022. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo nghị quyết, Đại hội nhất trí bổ sung tuyên bố vào Điều lệ Đảng về việc Đảng tự đổi mới là một chặng đường không có hồi kết và không ngừng hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng.

Các tuyên bố sẽ bao gồm những nỗ lực tổng hợp sẽ được thực hiện để đảm bảo rằng các quan chức không dám, không có khả năng và không có mong muốn tham nhũng, theo nghị quyết.

Những bổ sung này sẽ giúp tất cả đảng viên giữ vững tinh thần tự đổi mới, từ đó bảo đảm "Đảng ngày càng vững mạnh thông qua tinh thần cách mạng và vẫn là nòng cốt lãnh đạo vững chắc trong sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".

China Daily dẫn lời ông Zhou Weizhong, một đại biểu của Đại hội đến từ thành phố Nghi Chinh, tỉnh Giang Tô, cho biết, các nỗ lực chống tham nhũng trong những năm qua đã cải thiện đáng kể phong cách làm việc của các quan chức từ cơ sở.

“Người dân ngày càng tin tưởng và hài lòng hơn với các tổ chức Đảng và cán bộ địa phương. Họ tin tưởng vào chính sách của Đảng và sự tiến bộ của đất nước”, ông Zhou nói.

Còn ông Dong Chun, một đại biểu làm việc ở tuyến đầu của công tác nghiên cứu khoa học, cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức và rủi ro có thể tồn tại trong thời gian dài, nên sự quản lý chặt chẽ đối với Đảng và quá trình tự đổi mới của Đảng cần được tiếp tục như mọi khi.

Yang Weidong, giáo sư luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết, công tác chống tham nhũng và quản lý nghiêm ngặt của Đảng trong tương lai sẽ tiếp tục tập trung vào giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng có tác động xã hội lớn và các vấn đề trong những lĩnh vực ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Điều này sẽ bao gồm các vụ việc có tác động đáng kể, chẳng hạn như tham nhũng liên quan đến yếu tố chính trị, kinh tế và trong các lĩnh vực tập trung cao quyền lực, quỹ và nguồn lực, ông Yang nói, đồng thời cho biết, hành động kiên quyết cũng sẽ được thực hiện để điều chỉnh quyền lực và hành vi công việc của các quan chức cấp thấp, những người có hành vi sai trái có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

"Những cán bộ này có thể không giữ chức vụ cao hoặc có thể đã tham ô số tiền nhỏ, và hành vi sai trái của họ trước mắt không gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, về lâu dài, hành vi không tốt của họ sẽ lây nhiễm sang các cán bộ cơ sở khác, do đó làm hỏng toàn bộ tổ chức từ gốc, vì số lượng của họ là rất lớn", theo ông Yang.
Hoài Phương