Tờ Kyiv Post vừa có bài viết về những nỗ lực của Bộ Quốc phòng Ukraine nhằm vạch trần những khoản mua sắm khổng lồ ra khỏi bóng tối.

Lương thực là nền tảng của bất kỳ lực lượng quân đội nào. Một đội quân có đủ lương thực và cung cấp cho binh sĩ mọi thứ cần thiết sẽ chiến đấu hiệu quả hơn. Ở Ukraine, việc mua sắm thực phẩm cho quân đội gần đây đã bị bủa vây bởi các vụ bê bối tham nhũng.

Vào tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là Oleksiy Reznikov nhận thấy mình là trung tâm của bê bối tham nhũng liên quan đến việc mua thực phẩm giá cao cho quân đội. Một quả trứng có giá 17 UAH (Hryvnia Ukraina, tương đương 11.000 đồng), trong khi giá thị trường cho một chục trứng là khoảng 25.000 đồng. Vào tháng 9 cùng năm, ông Reznikov buộc phải từ chức.

Kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2 năm 2022, số lượng binh sĩ Ukraine đã tăng từ 250.000 lên gần 1 triệu người. Tỷ lệ tham nhũng trong Bộ Quốc phòng cũng tăng lên.

Yuri Nikolov, một nhà báo điều tra, người vạch trần vụ bê bối mua sắm, nói với Kyiv Post rằng, phần tham nhũng trong gần 50 tỷ UAH các khoản mua sắm cho quân đội có thể lên tới 25% hoặc 30%. Những khoản tiền này được sử dụng một cách không minh bạch và ít nhất 10 tỷ UAH (6.300 tỷ đồng) được chi tiêu không đúng cách hoặc trả quá mức do giá tăng cao.

Điều này xảy ra như thế nào, có thể thấy rõ trong hợp đồng mua thực phẩm mà Bộ Quốc phòng ký kết với 2 đơn vị vào tháng 12/2023. Giá thịt đưa ra cao gấp đôi giá bán lẻ ở chợ và siêu thị, thậm chí giá rau cũng cao hơn 20%.

"Qua mặt" các tổ chức giám sát, những hợp đồng mua sắm cho quân đội vẫn được ký kết "trong bóng tối" và ngay cả các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cũng không biết chi tiết về chúng, tạo ra nhiều cơ hội cho tham nhũng.

Một quy trình dễ bị lạm dụng

Nhà nước công bố các cuộc đấu thầu. Các công ty cung cấp tham gia đấu thầu. Sau đó, công ty cung cấp sẽ mua những sản phẩm phù hợp từ các nhà sản xuất với số lượng cần thiết và cung cấp cho các đơn vị quân đội.

Ba phương diện góp phần gây ra tham nhũng:

Thứ nhất, bộ khẩu phần ăn hàng ngày: Chi phí khẩu phần ăn hàng ngày của binh sĩ Ukraine hiện nay là 109 UAH (69.000 đồng)/quân nhân/ngày. Vấn đề bắt nguồn từ việc không ai có thể kiểm soát được số tiền đó sẽ bao gồm những thực phẩm gì.

"Có thể có 80 UAH cho thịt và 30 UAH cho cháo. Cũng có thể là 100 UAH cho cháo và 10 UAH cho thịt. Hoặc có thể có loại xúc xích kèm rau rẻ nhất", một quan chức giấu tên nói với Kyiv Post.

leftcenterrightdel
Món ăn ở một đơn vị Không quân Ukraine (UAF). Ảnh: Sergii Kostezh/Kyiv Post

Ông Arsen Zhumadilov, Tổng Giám đốc Cơ quan Hậu cần Quốc gia (viết tắt theo tiếng Ukraine là DOT), cho biết: "Bộ khẩu phần này là một loại "thiết kế" được phát minh để che giấu bất cứ thứ gì, bằng bất cứ giá nào".

Thứ hai, thiếu kiểm soát: Hệ thống được xây dựng theo cách mà nhu cầu thực sự của một đơn vị quân đội cụ thể chỉ có nhân viên bộ phận cung ứng của công ty cung cấp cho đơn vị này mới biết. Cơ quan kiểm soát không biết nhu cầu thực sự là gì vì họ không có danh sách phù hợp và người ngoài, kể cả nhà báo, không được tiếp cận.

Nhà báo điều tra Yury Nikolov cho biết: “Trên thực tế, dựa vào dữ liệu [nhu cầu thực sự của quân đội], các công ty có thể biết số lượng binh sĩ và họ ở đâu. Trong khi, đây là vấn đề bảo mật”.

Theo các nguồn tin của Kyiv Post, số tiền “lại quả” đối với một kg sản phẩm trong điều kiện như vậy có thể lên tới 5 UAH (3.160 đồng), và mức tiêu thụ của quân đội tính bằng hàng trăm tấn mỗi ngày.

Việc các yêu cầu thiếu điều kiện rõ ràng cũng không khuyến khích các nhà bán lẻ tham gia đấu thầu. Một trong những đại diện của mạng lưới siêu thị lớn nói với Kyiv Post rằng, hầu hết các yêu cầu đều phát sinh do không hoàn toàn rõ ràng những gì được cung cấp, cho ai và ở đâu.

Chừng nào hệ thống còn thiếu minh bạch, nguy cơ tham nhũng sẽ tiếp tục và các mạng lưới lớn sẽ không gặp rủi ro khi tham gia đấu thầu - vốn nằm trong tay các công ty trung gian đáng ngờ.

Thứ ba, một danh mục sản phẩm duy nhất dành cho quân đội: Ukraine từ lâu đã chuyển sang danh mục của NATO với hơn 400 mặt hàng thực phẩm các loại dành cho quân đội.

Danh sách thực phẩm hiện nay có thể mua cho quân đội bao gồm mật ong, bánh kẹo và thậm chí cả cá tầm, nhưng có một vấn đề là chỉ một công ty cung cấp cả trăm mặt hàng nói trên mới có thể cung cấp thực phẩm cho quân đội, điều này góp phần tạo ra các kế hoạch tham nhũng của người trung gian.

Ví dụ, một nhà sản xuất thịt không thể cung cấp rau cho quân đội, và một nhà sản xuất bánh mì không thể cung cấp đồ ngọt hoặc sản xuất nước. Đó là lý do tại sao các cơ hội quan trọng lại rơi vào tay những công ty trung gian không sản xuất gì mà chỉ đóng vai trò là người liên lạc giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng (quân nhân).

Bà Tetyana Nikolayenko, đại diện Ủy ban Chống tham nhũng trực thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết: “Tình hình hiện nay là các nhà sản xuất đang bán sản phẩm cho các nhà cung cấp “tay không” [nhà cung cấp nhưng hầu như không có sản phầm gì] của Bộ Quốc phòng và họ đang kiếm được tới 187% lợi nhuận”.

Đồng thời, quan chức này lưu ý rằng, không có nhà cung cấp nào mua tất cả 400 mặt hàng.

Bà Nikolayenko nhấn mạnh: "Chỉ có 26% danh sách được mua. Nó được sử dụng bởi các bên trung gian để ngăn chặn các nhà sản xuất thực sự giao dịch, vốn có thể bán mọi thứ với giá rẻ hơn".

Những nỗ lực cải cách

Để khắc phục các vấn đề này, Ukraine đã thành lập một cơ quan vào cuối năm 2023, đó là Cơ quan Hậu cần Quốc gia.

Người đứng đầu cơ quan này, ông Arsen Zhumadilov, nói rằng cải cách mua sắm thực phẩm cho quân đội nên đi theo 2 hướng quan trọng.

Hướng đầu tiên đòi hỏi phải loại bỏ và lựa chọn từ danh mục hàng trăm mặt hàng các sản phẩm riêng lẻ. Những hàng hóa được chọn này được cung cấp trực tiếp bởi các nhà sản xuất.

"Chúng tôi đã mua nước và bánh mì. Nếu trước đây, nước cho quân đội mua qua trung gian với giá 5 UAH (3.160 đồng)/lít thì nay giá là 3 UAH (1.896 đồng)/lít. Đồng nghĩa với tiết kiệm được 30% chi phí. Và quân đội tiêu thụ 2 tỷ UAH (1.264 tỷ đồng) cho nước, vậy hãy tính toán số tiền tiết kiệm được”, ông Zhumadilov nói.

Hướng thứ hai sẽ yêu cầu Cơ quan Hậu cần Quốc gia thu thập tất cả các đơn đăng ký thực phẩm quân sự.

Tổng Giám đốc Cơ quan Hậu cần Quốc gia giải thích, trước đó, các đơn đăng ký được chuyển từ đơn vị quân đội thẳng đến nhà cung cấp, và Bộ Quốc phòng thậm chí còn không biết đã đặt hàng gì và với số lượng bao nhiêu. Bộ này chỉ thấy điều đó trong hóa đơn từ các nhà cung cấp.

Theo ông Zhumadilov: "Đó là sự mờ ám và quản trị yếu kém. Và bây giờ chúng ta sẽ thấy các hợp đồng. Do đó, cần phải thực hiện đầy đủ và cung cấp chính xác những gì được chỉ định".

Cơ quan Hậu cần Quốc gia sẽ phân phối các đơn đặt hàng giữa các nhà cung cấp để hiểu việc lên kế hoạch giao hàng như thế nào.

Thêm vào đó, bà Anastasia Shuba, thành viên khác của Ủy ban Chống tham nhũng, Bộ Quốc phòng, cho biết, một biện pháp chống tham nhũng khác sẽ sớm được triển khai, đó là chia người nhận thành các cụm.

"Sẽ có tổng cộng 11 cụm, mỗi cụm bao gồm một số khu vực. Bạn sẽ không cung cấp lương thực cho một đơn vị quân đội cụ thể... Sự đổi mới này nhằm mục đích phá vỡ kết nối lâu dài giữa một số nhà cung cấp và các đơn vị quân đội”, bà Anastasia nói.

Tham nhũng trong quân đội là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Ukraine khi chính quyền nước này cố gắng duy trì tinh thần của người dân trong thời chiến và theo đuổi đề xuất gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Hoài Phương