Nghiên cứu được thực hiện như một phần của cuộc khảo sát hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, lấy ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp Bangladesh, qua đó cho thấy, có 65% số người được hỏi phàn nàn về tham nhũng, vốn là rào cản lớn đối với họ trong hoạt động kinh doanh.

Sau tham nhũng, cơ sở hạ tầng không phù hợp là yếu tố thứ hai ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh. Tiếp theo là bộ máy quan liêu của Chính phủ kém hiệu quả và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế.

Tại sự kiện công bố kết quả nghiên cứu diễn ra ngày 29/1, ông Khondaker Golam Moazzem, Giám đốc Nghiên cứu của CPD, cho biết: “Tham nhũng là yếu tố gây khó khăn nhất cho hoạt động kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp, mặc dù mức độ nghiêm trọng của những tác động do tham nhũng đã dần được chia sẻ với các yếu tố thuộc cấu trúc và những vấn đề mới nổi khác”.

Phần lớn những người được hỏi cho biết, họ phải đối mặt với tham nhũng trong việc nộp thuế (48%), nhận giấy phép (54%) và đảm bảo kết nối cho các tiện ích như khí đốt, điện và nước (49%) cũng như trong quá trình xuất nhập khẩu (75%).

Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các vấn đề là khác nhau đối với các loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Khoảng 53% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ coi tham nhũng là vấn đề nan giải nhất; 71% doanh nghiệp cỡ vừa và 59% doanh nghiệp lớn cho rằng tham nhũng là một mối gây thiệt hại.

Những thách thức đã được nhân lên bởi các yếu tố mới như lạm phát cao hơn, biến động trên thị trường ngoại tệ và bất ổn chính sách.

Giám đốc Điều hành CPD Fahmida Khatun cho biết, do tham nhũng, chi phí sản xuất đã bị đẩy lên cao hơn.

Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu tăng gần đây cũng khiến chi phí sản xuất cao hơn.

"Kết quả là, người dân phải gánh chịu cái giá phải trả thêm này. Tham nhũng ở nhiều mức độ khác nhau đang gây hại cho môi trường kinh doanh và nền kinh tế", bà Fahmida Khatun nói và nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một cuộc suy thoái. Nhiều tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã dự báo rằng, cuộc suy thoái này có thể kéo dài đến năm 2024.

Ngành Ngân hàng cần cải cách toàn diện

Liên quan đến tình hình phát triển kinh tế Bangladesh, cũng trong ngày 29/1, ông Edimon Ginting, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, ngành Ngân hàng Bangladesh hiện nay cần cải cách toàn diện để tài chính trong nước trở nên đủ mạnh nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2031.

Bên cạnh đó, quốc gia Nam Á này cũng cần huy động dòng ngoại tệ, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng vai trò của khu vực tư nhân.

Khu vực tài chính của Bangladesh bao gồm ngành ngân hàng hiên nay được đánh giá là kém phát triển, hiệu quả hoạt động thấp, quản lý rủi ro nội bộ yếu kém và tỷ lệ nợ xấu cao.

“Cải cách toàn diện và tổng thể trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm cơ chế xử lý nợ xấu, là điều cần thiết”, ông Edimon Ginting nói, đồng thời đề xuất các chính sách mạnh mẽ hơn, tăng cường quản trị và giám sát theo quy định đối với các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính khác.

Theo ông Ginting, để tăng trưởng bền vững, Bangladesh cần tập trung vào những cộng đồng dễ bị tổn thương do khí hậu, xác định các nhu cầu thích ứng cụ thể cũng như xây dựng và thực hiện các chiến lược.

Bangladesh vẫn còn những thách thức trong phát triển cơ sở hạ tầng, vì vậy cần phải có một chính sách hậu cần quốc gia và một kế hoạch tổng thể để phát huy hết tiềm năng của ngành.

Song song đó, cần tập trung vào việc nâng cao chỉ số vốn con người, vì lợi thế về lao động chi phí thấp và khả năng tiếp cận thị trường ưu đãi có thể mất dần khi đất nước thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển nhất.

Bangladesh đạt 0,46 điểm về chỉ số vốn con người, dưới mức trung bình 0,78 của cả Nam Á và các nước có thu nhập trung bình thấp. “Vì vậy, Bangladesh cần cải thiện chất lượng giáo dục và đào sâu phát triển kỹ năng", ông Ginting nói.

Hoài Phương