Thỏa thuận đặc biệt tập trung vào việc ngăn chặn tội phạm thanh thiếu niên, bạo lực và sử dụng ma túy trong thể thao và đã được ký kết tại Thụy Sĩ, bởi Chủ tịch IOC Thomas Bach và Giám đốc Điều hành UNODC Ghada Waly.

"IOC là một tổ chức của các giá trị căn bản. Do đó, chúng tôi có nhiệm vụ duy trì quản trị tốt và tính liêm chính", Chủ tịch IOC cho biết trong một thông cáo chính thức.

"Biên bản ghi nhớ này sẽ tăng cường đáng kể sự hợp tác giữa IOC và UNODC. Chúng tôi sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực khác nhau, đặc biệt về nâng cao năng lực, các chương trình đào tạo và các sự kiện nâng cao nhận thức nhằm giải quyết tham nhũng và tội phạm trong thể thao. Ngoài ra, chúng tôi hợp tác trong việc ngăn chặn việc thao túng các cuộc thi đấu thể thao. Thông qua sự hợp tác mở rộng, chúng tôi cũng sẽ sử dụng thể thao như một công cụ để ngăn chặn tội phạm thanh thiếu niên, bạo lực và sử dụng ma túy", ông Thomas Bach nói thêm.

Giám đốc Điều hành UNODC Ghada Waly cho rằng, năm 2021 là một năm mang tính bước ngoặt đối với hành động chống tham nhũng toàn cầu và việc huy động quốc tế để bảo vệ tính liêm chính của thể thao đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Theo thỏa thuận mới, UNODC và IOC sẽ xây dựng trên động lực này để giúp các quốc gia bảo vệ thể thao, nhưng cũng tận dụng sức mạnh của mình để tăng cường khả năng chống lại tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, đồng thời hình thành các xã hội hòa nhập và công bằng hơn", bà Ghada Waly nói.

IOC và UNODC có mối quan hệ lâu dài. Hai tổ chức thường xuyên xem xét tính hiệu quả của các sáng kiến chung và phát triển chúng hơn nữa để giải quyết các xu hướng và yêu cầu mới.

Biên bản ghi nhớ mới được ký kết sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm 2025 và bao gồm các lĩnh vực hợp tác khác nhau, trong đó có: Hỗ trợ nâng cao năng lực, các chương trình đào tạo, các sự kiện nâng cao nhận thức và các sáng kiến liên quan nhằm giải quyết tham nhũng và tội phạm trong thể thao, bao gồm cả các tổ chức thể thao và liên quan đến việc thao túng các cuộc thi đấu thể thao, cũng như ngăn chặn tội phạm thanh thiếu niên, bạo lực và sử dụng ma túy thông qua thể thao.

Biên bản ghi nhớ bao gồm việc trao đổi thông tin và chuyên môn, bao gồm thông qua việc tham gia các hội nghị, các cuộc họp thường xuyên, đóng góp vào những nghiên cứu, phát triển các công cụ kỹ thuật và ấn phẩm liên quan đến giải quyết tham nhũng và tội phạm trong thể thao, cũng như ngăn chặn tội phạm thanh thiếu niên, bạo lực và sử dụng ma túy thông qua thể thao.

Biên bản ghi nhớ cũng bao gồm các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao đóng góp của thể thao vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy thể thao vì sự phát triển và hòa bình thông qua chương trình chung, trong khuôn khổ Thế vận hội Olympic, Paralympic và các sự kiện thể thao khác.

Biên bản ghi nhớ đã được ký kết bên lề phiên bản thứ tư của Diễn đàn Quốc tế về liêm chính thể thao (IFSI), quy tụ hơn 500 bên liên quan đại diện cho Phong trào Olympic, các cơ quan quản lý, các cơ quan liên chính phủ và các lĩnh vực khác.

Cả 4 tổ chức liên chính phủ chuyên trách về phòng, chống tham nhũng đều tham gia với đại diện cấp cao: UNODC, Hội đồng Châu Âu (CoE), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và INTERPOL.

Hoài Phương