Hungary đang đặt nhiều hy vọng vào chương trình phục hồi hậu Covid-19 trị giá 15 tỷ euro tiềm năng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nguồn tài trợ này hiện đang vướng vào một quy trình pháp lý chưa từng có tiền lệ được EC đưa ra vào tháng 4 năm nay, do những lo ngại về vấn đề tham nhũng và quỹ bị chiếm đoạt. Quy trình có thể dẫn tới việc đình chỉ hoặc cắt giảm trợ cấp từ các quỹ của EU dành cho quốc gia Trung Âu này.

Ngày 20/7, EC tiếp tục đưa ra cảnh báo cắt giảm viện trợ tới Hungary vì cho rằng, phản ứng của Hungary trong giai đoạn đầu của quy trình pháp lý "không đáp ứng một cách hợp lý" những quan ngại của EU hoặc Budapest chưa đưa ra đủ các biện pháp điều chỉnh theo yêu cầu của khối liên minh.

Hungary cũng phải đối mặt với các hình phạt tài chính từ EU về các vấn đề tương tự về luật pháp - bao gồm các thủ tục đấu thầu công khai thiếu các biện pháp bảo vệ chống tham nhũng.

Giải quyết các mối quan ngại của Brussels là điều kiện tiên quyết để Hungary có được quỹ phục hồi hậu Covid-19 trị giá hàng tỷ euro.

Thủ tướng Viktor Orban hiện phải chịu áp lực gia tăng trong việc đạt được thỏa thuận với Brussels khi đồng tiền trong nước (Forint) đạt mức thấp mới và lạm phát tiếp tục tăng.

Hungary đã nhận được hàng tỷ euro từ các quỹ của EU kể từ khi nước này gia nhập khối vào năm 2004, nhưng mối lo ngại ngày càng gia tăng về cáo buộc lạm dụng tiền của EU vào những "mục đích khác".

Các nhà phân tích cho rằng, việc không đạt được thỏa thuận với EU là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên nền kinh tế Hungary vốn đang trong khủng hoảng.

Nếu bị EU đình chỉ gói hỗ trợ, nền kinh tế Hungary sẽ đối mặt nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ngân hàng Quốc gia Hungary dự báo, lạm phát tại nước này trong giai đoạn 2022-2023 có thể lên tới 7,5-9,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đứng trước nguy cơ thấp hơn so với dự kiến, ước tính chỉ khoảng 2,5-4,5%, do nhiều kênh thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Chúng tôi đã đệ trình một phần của những thay đổi này (thay đổi pháp lý) và đưa ra lời hứa về một số sửa đổi luật khác nếu thỏa thuận với Ủy ban được ký kết", Chánh Văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban, ông Gergely Gulyas nói trong một cuộc họp báo mới đây.

Ông Gulyas cho biết, câu trả lời mà Hungary gửi tới EC đã cung cấp sự đồng thuận về tất cả các khuyến nghị của Ủy ban và sẽ tạo ra một hệ thống minh bạch nhất và "chặt chẽ hơn bao giờ hết" để giám sát việc sử dụng các quỹ của EU cũng như các hợp đồng mua sắm công.

"Chúng tôi hy vọng thủ tục mang tính điều kiện có thể được hoàn tất và sau đó thỏa thuận về quỹ phục hồi hậu Covid và ngân sách 7 năm có thể được ký kết", ông Gulyas nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varga cũng cho biết, nước này đã đưa ra một "gói toàn diện" gồm các biện pháp nhằm giải quyết những quan ngại của EU.

Theo bà Varga, Hungary có thiện chí tiến hành đối thoại mang tính xây dựng với EU.

Phía EC xác nhận đã nhận được phản hồi của Hungary và Ủy ban đang trong thời gian 1 tháng để phân tích nó.

Ủy ban từ chối việc đưa ra đánh giá sớm, nhưng khẳng định, nếu Budapest không đảm bảo đủ, EC có thể sẽ đề xuất 26 quốc gia thành viên EU khác thông qua các hình phạt tài chính đối với Chính phủ của ông Orban.

Tuy nhiên, đây là một thủ tục riêng biệt để phê duyệt việc giải ngân hàng tỷ euro dành cho Hungary để phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19, một phát ngôn viên của Ủy ban cho biết.

Hoài Phương