Khi Riga -  Thủ đô của Latvia và là thành phố lớn nhất trong các nước vùng Baltic - quyết định mở rộng mạng lưới xe điện vào năm 2016, niềm vui và nỗi lo đan xen. Gần 100 triệu euro - hơn 2/3 trong số đó đến từ quỹ liên kết của EU - đã được duyệt chi để mang lại lợi ích cho hàng chục nghìn người dân Riga sử dụng xe điện mỗi ngày.

Để tăng cường giám sát trong một dự án lớn như vậy, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia (Delna) đã đạt được một thỏa thuận với chính quyền thành phố Riga nhằm tạo không gian cho việc giám sát độc lập.

Dự án mở rộng mạng lưới xe điện Riga trở thành 1 trong 18 Hiệp ước liêm chính mà Ủy ban châu Âu (EC) và Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã và đang thí điểm để giảm thiểu rủi ro tham nhũng trong hợp đồng công.

Bằng cách mở rộng các quy trình cho sự giám sát của công chúng, từ đấu thầu đến bàn giao, Hiệp ước liêm chính đã giúp tăng cường tính liêm chính trong mua sắm công ở 11 quốc gia EU. Hiện nay, các Hiệp ước liêm chính không chỉ bảo đảm công quỹ không bị rơi vào túi cá nhân - mà còn đang đóng góp vào hành động khí hậu hiệu quả ở EU.

Sự cần thiết của giám sát công dân

Giao thông công cộng hiện đại và khả thi là chìa khóa để giảm lượng khí thải, đặc biệt là ở các khu vực đô thị đang phát triển như quận Skanste của Thủ đô Riga. Với sự phát triển nhanh chóng và dân số được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ tới, nhu cầu cải thiện giao thông công cộng ở đây là rất rõ ràng và người dân cũng bày tỏ sự mong muốn về điều này.

Ở Latvia, cũng như nhiều quốc gia khác, mua sắm công là một trong những lĩnh vực dễ bị tham nhũng nhất. Xu hướng thiên vị và khả năng tiếp cận thông tin hạn chế đặt ra những vấn đề nghiêm trọng đối với các chính quyền quốc gia có biên chế thưa thớt được giao nhiệm vụ giám sát các thủ tục mua sắm.

Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đã tham gia với 2 chuyên gia độc lập cùng thực hiện Hiệp ước liêm chính. Nhóm giám sát được thành lập nhằm đảm bảo rằng các quy trình mua sắm công bằng, công khai, minh bạch, và các quy tắc được thực thi hoặc cải tiến nếu cần thiết. Vì cư dân Riga là bên liên quan cuối cùng của dự án này, nên Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đã đề cao vai trò giám sát của họ.

leftcenterrightdel
 Các nhà giám sát của Hiệp ước liêm chính tổ chức đối thoại công khai xung quanh dự án mở rộng mạng lưới xe điện vào mùa hè năm 2018. Ảnh: Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia
 

Làm rõ những hiểu lầm thông qua đối thoại

Nhóm giám sát đã trực tiếp trải nghiệm việc thiếu thông tin công khai dẫn tới những thách thức lớn. Ngay từ khi bắt đầu dự án mở rộng mạng lưới xe điện đã lan truyền các suy đoán, quan niệm sai lầm về Hiệp ước liêm chính và vai trò của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Đỉnh điểm của sự hiểu lầm là những cuộc tấn công từ các nhân vật chính trị đã cáo buộc Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia "tẩy não" người dân.

Mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi người dân không được tham gia giám sát đầy đủ vào kế hoạch ban đầu của dự án, dẫn đến sự phản đối kịch liệt từ một số nhóm.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đã giải quyết những vấn đề này bằng cách chủ động chia sẻ thông tin và đáp ứng các đề xuất, sáng kiến của người dân. Khi người dân hiểu rõ hơn về dự án và sử dụng các kênh khiếu nại chính thức, căng thẳng được giảm xuống.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các Hiệp ước liêm chính đều hướng tới sự giám sát của công chúng, xét đến cùng, việc chia sẻ dữ liệu về chi tiêu công không thể bị coi là tẩy não. Mà ngược lại, thông tin là cơ sở của một xã hội dân sự cảnh giác, và tài liệu minh bạch, đầy đủ là chìa khóa cho điều này, qua đó làm tăng lòng tin của công dân đối với chính phủ của họ

Kết quả của giám sát

Công việc giám sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đã tạo ra sự khác biệt lớn ở Riga. Theo yêu cầu của họ, các tài liệu quan trọng được cung cấp trực tuyến cho bất kỳ ai quan tâm, cho phép công chúng theo dõi tốt hơn các dự án công và kiểm tra những bất thường.

Quan trọng hơn, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đã phát hiện ra một số rào cản đối với cạnh tranh mở và công bằng. Trong một trường hợp, cơ quan quản lý giao thông đã đưa các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt vào hồ sơ dự thầu, đến mức chỉ có rất ít công ty có thể trở thành nhà thầu. Theo đề xuất của các chuyên gia giám sát, quá trình này đã được thực hiện lại với các điều kiện công bằng hơn.

Trong quá trình thực hiện Hiệp ước liêm chính Riga, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đã đưa ra hơn 20 khuyến nghị nhằm cải thiện tính liêm chính và trách nhiệm giải trình. Chính quyền Latvia đã tiếp nhận gần như tất cả, dẫn đến các quy trình mua sắm công bằng hơn, tài liệu minh bạch hơn và khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn.

Bên cạnh đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đã phát hiện ra những bất thường trong một số quy trình mua sắm của dự án. Các quy trình này sau đó đã bị hủy bỏ và thực hiện lại.

leftcenterrightdel
 Tháng 2/2020, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đã tập hợp các chuyên gia từ Chính phủ và xã hội dân sự, để thảo luận về các Hiệp ước liêm chính và đưa ra những ý tưởng cụ thể cho tương lai của giám sát công dân trong việc thực hiện các quỹ liên kết của EU ở Latvia sau năm 2020. Ảnh: Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia 
 

Đáng chú ý, một số hành vi sai trái trong quá khứ của các cơ quan quản lý giao thông Riga cũng đã bị lộ diện. Vào năm 2018, các thủ tục tố tụng hình sự đã được khởi động đối với một số quan chức bị cáo buộc rửa tiền trong việc mua sắm xe điện và xe buýt tại những dự án trước đó. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, số tiền hối lộ có thể lên tới 20 triệu euro.

Các nhà giám sát đã tìm thấy mối liên hệ giữa vụ việc này với dự án mở rộng mạng lưới xe điện và công bố chúng trong một báo cáo năm 2019. Mặc dù nhóm không tham gia vào cuộc điều tra, nhưng việc giám sát của họ đã làm dấy lên thêm những dấu hiệu đỏ liên quan đến các nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn.

Trước nguy cơ tham nhũng nêu trên, Cơ quan Tài chính và Đấu thầu Trung ương Latvia (CFLA) đã quyết định hủy bỏ dự án mở rộng mạng lưới xe điện Riga do quản lý yếu kém và rủi ro tham nhũng cao không thể chấp nhận được. Việc giải ngân vốn đã bị ngừng hoàn toàn.

Vào tháng 10/2019, CFLA đã đạt được thỏa thuận với Riga Traffic, theo đó, Riga Traffic sẽ phải hoàn trả số tiền đã được chi cho dự án. Quá trình hoàn trả sẽ diễn ra cho đến cuối năm 2022.

Bài học cho tương lai

Có thể rút ra 2 điều từ câu chuyện chấm dứt dự án mở rộng xe điện của Riga. Một là về những hậu quả cay đắng của tham nhũng và những tổn thất liên quan đến người dân. Hai là bài học quý giá về sự cần thiết của giám sát chặt chẽ, độc lập trong mua sắm công.

Dự án đã chỉ ra sự khác biệt mà các chuyên gia giám sát bên ngoài có thể tạo ra trong việc phát hiện các bất thường của những dự án cơ sở hạ tầng và tầm quan trọng của sự tham gia từ đầu của các cộng đồng bị ảnh hưởng. Cả hai (chuyên gia giám sát độc lập và giám sát công dân) cần là một phần của thông lệ tốt trong mua sắm công, đi kèm với việc thực hiện các tiêu chuẩn dữ liệu mở quốc tế để thông tin có thể truy cập được từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của một dự án.

Hiện, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Latvia đang tiếp tục làm việc cùng với Cục Giám sát đấu thầu để cải thiện việc giám sát xã hội dân sự đối với những dự án do EU tài trợ tại các thành phố trực thuộc trung ương ở Latvia.

Không một quốc gia, thành phố hay khu vực nào được để mất hàng triệu USD do tham nhũng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch toàn cầu vẫn đang hoành hành và gây ra một áp lực lớn cho ngân sách công. Hồi phục từ COVID-19 đã là rất khó - nhưng mua sắm công sạch chính là chìa khóa để các kế hoạch, dự án thực sự dành cho tất cả mọi người.

Hoài Phương